Trên thực tế, hệ sinh thái, đa dạng sinh học của Việt Nam liên tục bị suy giảm và suy thoái nên nước ta vẫn nằm trong “khu vực nóng” về nạn săn bắt, buôn bán trái phép động vật hoang dã.
Suy giảm các loài nguy cấp: SOS!
“Voi ở Việt Nam hiện chỉ còn từ 70 – 100 cá thể. Hổ hoang dã chỉ còn 5 cá thể. Gấu, tế tê, sao la đều đối diện với nguy cơ tuyệt chủng” – bà Nguyễn Thị Vân Anh, chuyên viên Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường – Bộ TN&MT) cho biết.
Đây là những dẫn chứng cho thấy, các loài hoang dã ở Việt Nam tiếp tục bị đe dọa và suy giảm mạnh. Theo Danh lục đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) được cập nhật đến tháng 7/2019, Việt Nam có 700 loài bị đe dọa từ mức sắp nguy cấp (Vulnarable – VU)trở lên, bao gồm: 57 loài thú, 52 loài chim, 71 loài bò sát, 45 loài lưỡng cư và 85 loài cá…
Nguyên nhân đẩy nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm của Việt Nam đứng bên bờ vực của sự tuyệt chủng là do việc khai thác, sử dụng quá mức tài nguyên thiên nhiên, bao gồm cả động, thực vật hoang dã. Sừng tê giác được coi như “thần dược”, ngà voi trở thành vật phẩm trang trí, gấu bị săn bắt, nuôi nhốt để lấy mật chữa bệnh, tê tê, các loài chim… là những món ăn đặc sản…”. Chính nhu cầu của những người sẵn sàng trả giá cao để mua các sản phẩm xa xỉ từ động vật hoang dã đang thúc đẩy mạnh hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã”, bà Nguyễn Thị Vân Anh chỉ rõ.
Theo thống kê của Tổng cục Môi trường, từ năm 2015 – 2017, các cơ quan chức năng đã bắt giữ, xử lý 315 vụ vi phạm với 271 đối tượng liên quan đến động vật hoang dã, trong đó, xử lý hình sự 74 vụ án với 111 bị can, xử lý hành chính 241 vụ việc với 160 đối tượng. Ước tính, con số này chỉ chiếm 5 – 10% số lượng trên thực tế.
Còn theo ghi nhận của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), trung bình mỗi ngày, có khoảng 3 vụ việc vi phạm mới phát sinh về động vật hoang dã. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2019, số vụ việc vi phạm bị phát hiện là 729, chủ yếu là các hành vi nuôi nhốt, buôn bán nhỏ lẻ và quảng cáo, buôn bán lớn. Các loài động vật như hổ, voi, tê giác, tê tê, rùa biển, rùa nước ngọt và các loài linh trưởng là đối tượng được quan tâm nhiều nhất. Việt Nam, cho đến nay, vẫn được Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) xếp là điểm trung chuyển và tiêu thụ tê giác, ngà voi, tê tê xuyên quốc gia.
Kết nối nỗ lực các bên
Là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới, cũng đồng thời phải đối diện với tình trạng suy giảm, suy thoái động, thực vật hoang dã, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này.
Chính phủ Việt Nam đã sớm tham gia và trở thành thành viên của nhiều công ước quốc tế về bảo tồn loài và đa dạng sinh học như: Công ước Đa dạng sinh học (CBD, 1994), Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (RAMSAR, 1989), Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITIES, 1994), Công ước Chống sa mạc hóa (UNCCD, 1998).
Việt Nam đã tham gia nhiều sáng kiến, cam kết quốc tế và khu vực như Mạng lưới thực thi pháp luật về bảo vệ động vật, thực vật hoang dã Đông Nam Á (ASEAN-WEN); Tuyên bố London, Kasane về chống buôn bán các loài hoang dã; Tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) về việc tăng cường các nỗ lực hợp tác chống nạn buôn bán trái phép và giảm nhu cầu tiêu thụ các loài hoang dã.
Cùng với đó, Việt Nam thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương với nhiều quốc gia trên thế giới như ký Biên bản ghi nhớ về ngăn chặn buôn bán sừng tê giác với Nam Phi (2012); Tuyên bố chung Việt Nam – Mỹ, trong đó, coi tội phạm về động vật hoang dã là một loại tội phạm nghiêm trọng.
Một số nỗ lực cụ thể được ghi nhận như: Hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường chỉ đạo, điều hành quản lý, bảo tồn loài hoang dã; xây dựng năng lực về quản lý, bảo vệ loài hoang dã; xây dựng và triển khai các chương trình và mô hình về bảo tồn loài nguy cấp, quý, hiếm; bảo tồn loài gắn với hoạt động thành lập và quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên; thực thi pháp luật về bảo tồn các loài hoang dã và truyền thông, nâng cao nhận thức về bảo vệ các loài hoang dã.
“Tuy vậy, những nỗ lực kể trên vẫn chưa đủ để đảo ngược xu thế suy giảm các loài”, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn – Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) nhìn nhận.
Theo bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, việc tăng cường các nỗ lực nhằm bảo vệ các loài nguy cấp rất cần thiết. Trong bối cảnh đó, Dự án “Tăng cường quan hệ đối tác nhằm bảo vệ các loài nguy cấp có ý nghĩa toàn cầu tại Việt Nam” do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ và Ngân hàng Thế giới là cơ quan điều phối chung đã chính thức được khởi động, nhằm mục tiêu bảo vệ các loài nguy cấp có ý nghĩa đa dạng sinh học toàn cầu nhờ việc giảm các mối đe dọa từ khai thác, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp thông qua cơ chế hợp tác đa bên.
Dự án sẽ có sự chung tay và hợp tác từ các ban ngành hữu quan, các tổ chức trong và ngoài nước, các tổ phi Chính phủ, các tổ chức dân sự xã hội, khối tư nhân,… trong các hoạt động can thiệp nhằm bảo vệ các loài nguy cấp của Việt Nam khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
“Chúng tôi hy vọng và kêu gọi sự hợp tác của các bên liên quan nhằm đạt được mục tiêu của dự án cũng như mục tiêu chung trong công tác bảo vệ các loài nguy cấp”, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn bày tỏ.