Biến đổi khí hậu: Các hệ sinh thái ở Australia bị đe dọa

Báo cáo cho biết thảm thực vật nhạy cảm chưa từng bị hỏa hoạn ở nước này trước đây nay đang bốc cháy, nhiều loài động vật như chồn túi và cáo bay đã bị chết và các lưu vực sông bị mất rừng ngập mặn.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Hội đồng Khí hậu, tổ chức truyền thông hàng đầu của Australia về biến đổi khí hậu, vừa lên tiếng cảnh báo về ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đối với các hệ sinh thái ở nước này.

Báo cáo của Hội đồng trên cho biết thảm thực vật nhạy cảm chưa từng bị hỏa hoạn ở nước này trước đây nay đang bốc cháy, nhiều loài động vật như chồn túi và cáo bay đã bị chết và các lưu vực sông bị mất rừng ngập mặn do các đợt nắng nóng.

Theo giáo sư Lesley Hughes, tác giả của báo cáo, nhiều đám cháy đang xảy ra ở các khu rừng nhiệt đới tại tiểu bang Queensland, điều chưa từng xảy ra trước đây.

Trong ảnh (tư liệu): Rạn san hô Great Barrier ở Australia, ngày 19/4/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cũng theo báo cáo trên, mực nước biển ở miền Bắc Australia đã dâng cao khoảng gấp đôi mức trung bình toàn cầu, đe dọa vùng đất ngập nước trong Công viên Quốc gia Kakadu, một biểu tượng trong khu vực.

Bên cạnh đó, nhiệt độ tăng cũng đang đe dọa loài vẹt đen quý hiếm ở phía Tây Nam Australia, trong khi ở phía Bắc, hiện tượng thời tiết này đe dọa loài rùa xanh sống ở Rạn san hô Great Barrier. Báo cáo cho rằng những tác động nói trên xảy ra khi nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 1 độ C.

Để đối phó với ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, Hội đồng Khí hậu Australia đã kêu gọi chính phủ liên bang thực hiện các biện pháp bảo tồn quyết liệt hơn để đảm bảo các hệ sinh thái ở Australia có thể chống chọi với thời tiết khắc nghiệt đang xảy ra trên toàn quốc.

Australia là nơi cư trú của hơn một triệu loài thực vật và động vật, song từ lâu đã được coi là một trong những quốc gia phát triển dễ bị tổn thương nhất trước những ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, với tỷ lệ tuyệt chủng các loài động vật thuộc loại cao nhất trên thế giới.