Hơn một nửa trong số 147 con hổ được giải cứu khỏi một ngôi chùa ở Thái Lan đã chết. Các nhà bảo tồn nghi ngờ vấn đề di truyền cận huyết là nguyên nhân khiến con vật này chết nhiều đến vậy, vụ việc đang gây ra làn sóng phẫn nộ.
Nhiều năm qua, ngôi chùa Wat Pha Luang Ta Bua nằm phía Tây tỉnh Kanchanaburi (Thái Lan) đã thu hút nhiều khách du lịch đến thăm quan và chụp ảnh cùng những con hổ hoang dã được nuôi tại chùa. Để có những bức hình ấn tượng cùng loài chúa tể rừng xanh, du khách sẽ phải trả một khoản phí cho nhà chùa.
Tuy nhiên vào năm 2016, các nhà chức trách thuộc Cục Bảo tồn Vườn quốc gia và Động thực vật hoang dã (DNP) đã tiến hành giải cứu những con hổ trong chùa vì những cáo buộc cho rằng chúng không được quản lý chặt chẽ và bị ngược đãi.
Tờ The Guardian (Anh) đưa tin những con hổ trưởng thành còn sống đã được đưa đến 2 trại nuôi ở tỉnh Ratchaburi gần đó. Nhưng các nhà bảo tồn động vật cho biết chỉ còn 61 trong số 147 con hổ sống sót cho đến nay.
“Nó có thể liên quan đến việc giao phối cận huyết. Chúng gặp vấn đề về di truyền gây nguy hiểm cho hệ miễn dịch”, ông Pattarapol Maneeon thuộc Cục Bảo tồn DNP nhận định.
Nhiều con hổ bị liệt lưỡi, khó thở và chán ăn dẫn đến co giật rồi tử vong. Một quan chức khác của Cục Bảo tồn cho biết thêm hầu hết những con hổ đã phải trải qua tình trạng sợ hãi từ việc vận chuyển và thay đổi địa điểm.
Hiện tại, các vụ kiện pháp lý tại Thái Lan chống lại ngôi chùa đang được mở ra. Các nhà bảo tồn đặt câu hỏi liệu những con hổ bị tịch thu này có được các nhà chức trách chăm sóc đầy đủ khi chúng bị nhốt trong những chiếc cũi chật hẹp và rất dễ lây bệnh cho nhau hay không.
Mới đây, hàng chục xác hổ đã được tìm thấy trong tủ đông lạnh của ngôi chùa này càng làm dấy lên nghi vấn ngôi chùa đã buôn lậu hổ nhằm thu hàng trăm nghìn bảng Anh mỗi năm từ du khách.
Nhiều người tin rằng các bộ phận của hổ chứa những đặc tính có thể chữa bệnh. Họ coi đó là những món hàng hấp dẫn có thể bán cho thị trường Trung Quốc để kiếm những khoản tiền khổng lồ.
“Thành thật mà nói, ai có thể sẵn sàng tiếp nhận rất nhiều con hổ này để chăm sóc cùng một lúc?”, ông Edwin Wiek, người sáng lập Tổ chức Động vật hoang dã Thái Lan nghi ngờ.
Mỗi năm, Thái Lan tiếp nhận hàng chục triệu lượt khách ghé thăm. Ngoài ra, ngành du lịch động vật hoang dã đang ngày càng phát triển của nước này biến những loài động vật hoang dã trở thành chiếc máy kiếm tiền cho con người.
Chỉ cần trả một khoản phí, bất kỳ du khách nào cũng có thể cưỡi voi, tắm cùng voi, bắt tay khỉ hay tạo dáng chụp ảnh cùng những con hổ. Các tổ chức bảo vệ động vật từ lâu đã lên án ngành công nghiệp này. Tại đó, nhiều loài động vật bị cùm xích trong những không gian chật hẹp, không được chăm sóc đầy đủ và buộc phải chiều lòng khách du lịch.