Việt Nam có thể thiệt hại hàng triệu USD mỗi ngày vì phát thải carbon từ giao thông vận tải

Ngày 16/9, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã công bố nghiên cứu với hai báo cáo đề ra lộ trình hướng tới ngành giao thông vận tải phát thải carbon thấp và có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu ở Việt Nam tại Hội thảo “Giải quyết Vấn đề Biến đổi Khí hậu trong ngành Giao thông Vận tải” diễn ra tại Hà Nội.

Nghiên cứu cho thấy, ngành giao thông vận tải hiện đóng góp khoảng 10,8% tổng lượng phát thải carbon tại Việt Nam. Theo kịch bản phát triển thông thường, lượng phát thải này được dự báo sẽ tăng với tốc độ hàng năm từ 6-7%, đạt gần 70 triệu tấn carbon vào năm 2030.

 

Tuy nhiên, bằng việc kết hợp một loạt các chính sách và hạng mục đầu tư khác nhau, đến năm 2030, Việt Nam có thể giảm lượng phát thải carbon trong lĩnh vực giao thông lên tới 9% trong trường hợp chỉ sử dụng nguồn lực trong nước và 15-20% nếu huy động nguồn lực quốc tế và sự tham gia của khu vực tư nhân.

Các biện pháp hiệu quả nhất về chi phí để tăng cường khả năng chống chịu của ngành giao thông bao gồm chuyển đổi lưu lượng vận tải từ đường bộ sang đường thủy nội địa và ven biển, áp dụng tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về hệ số sử dụng nhiên liệu hiệu quả cho phương tiện và đẩy mạnh phát triển xe điện.

Nghiên cứu cũng chỉ ra, nếu tính đến yếu tố biến đổi khí hậu, có 20% mạng lưới giao thông được cho là dễ bị tổn thương bởi các rủi ro thiên tai trong tương lai. Các sự cố mạng lưới đường bộ có thể dẫn đến thiệt hại rất cao lên tới 1,9 triệu USD mỗi ngày, trong khi sự cố mạng lưới đường sắt có thể gây thiệt hại lên tới 2,6 triệu USD mỗi ngày cho Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, để sẵn sàng ứng phó với cường độ và tần suất rủi ro thiên tai ngày càng gia tăng do tác động của biến đổi khí hậu, mạng lưới đường bộ của Việt Nam cần được đầu tư để cải thiện các tài sản đường bộ hiện có được thiết kế theo tiêu chuẩn chống chịu khí hậu cao hơn. Ngoài ra, việc chuyển đổi sang các phương thức vận tải đường thủy sẽ là một chiến lược hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu. Kết quả phân tích cho thấy: chỉ cần chuyển đổi 10% lưu lượng vận tải theo hướng này có thể giúp giảm 25% rủi ro khí hậu.