Dự kiến, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ kiểm tra thực tế tình trạng ngư dân tự hoán cải tàu cá và làm việc với các đơn vị liên quan trong 1 – 2 ngày tới.
Liên quan đến việc ngư dân tự hoán cải tàu cá không theo hướng dẫn tại Phú Yên, ngày 16/9, đại diện lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho biết, thực hiện Luật Thủy sản 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn về hoán cải tàu cá cũng như giao hạn ngạch khai thác cho các địa phương theo Luật Thủy sản 2017, các địa phương cần phổ biến, tuyên truyền và thực hiện giám sát việc triển khai theo đúng các văn bản hướng dẫn.
Tuy nhiên, Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên vẫn để xảy ra tình trạng ngư dân tự hoán cải tàu cá. Do đó, Tổng cục Thủy sản đã yêu cầu Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên phải thực hiện đúng các văn bản hướng dẫn về hoán cải tàu cá cũng như cấp giấy phép hạn ngạch khai thác mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành.
“Dự kiến, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ kiểm tra thực tế và làm việc với các đơn vị liên quan tại Phú Yên trong 1 – 2 ngày tới”, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho hay.
Theo Tổng cục Thủy sản, hệ thống pháp luật về thủy sản trước năm 2017 có hàng chục nghìn tàu cá được hoạt động ở vùng khơi, tuy nhiên, khi Luật Thủy sản năm 2017 và Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản thì chỉ có những tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên được hoạt động tại vùng khơi.
Do đó, có 3.513 tàu cá có chiều dài dưới 15 mét, công suất từ 90CV trở lên không được cấp hạn ngạch khai thác tại vùng khơi theo quy định tại Nghị định số 26/2010/NĐ-CP; trong đó có 1.755 tàu đang được hưởng chính sách theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa.
Để tháo gỡ khó khăn cho các tàu cá không được cấp hạn ngạch khai thác như đã nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân về các quy định mới của Luật Thủy sản 2017, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019, chú trọng hướng dẫn ngư dân thực hiện theo quy định về quản lý hoạt động của tàu cá trên các vùng biển và hoạt động kiêm nghề để đảm bảo sản xuất hiệu quả.
Đối với nhóm tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên nhưng chiều dài lớn nhất dưới 15 mét, các địa phương rà soát, thông báo cho chủ tàu, ngư dân đăng ký nhu cầu cải hoán tàu cá để có đủ điều kiện hoạt động tại vùng khơi theo quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP; tiến hành cấp văn bản chấp thuận cải hoán cho chủ tàu có nhu cầu để tiến hành cải hoán tàu cá theo quy định; cấp giấy phép khai thác thủy sản cho chủ tàu khi tàu cá đã đủ điều kiện theo quy định trong số hạn ngạch giấy phép đã được giao theo Quyết định số 1481/QĐ-BNN-TCTS.
Đồng thời, các địa phương báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, cấp bổ sung hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản; thời hạn báo cáo đề nghị cấp bổ sung hạn ngạch trước ngày 31/12/2019.
Bên cạnh đó, căn cứ vào tình hình thực tế, nhu cầu của chủ tàu, được chuyển đổi nghề sang các nghề thân thiện với môi trường và nguồn lợi thủy sản trong tổng số hạn ngạch giấy phép khai thác được giao theo Quyết định 1481/QĐ-BNN-TCTS về việc giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đặc biệt, không được chuyển đổi từ các nghề khác sang nghề lưới kéo, lưới rê.
Trước đó, ngày 2/5/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 1481/QĐ-BNN-TCTS về việc giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (31.541 giấy phép).
Việc cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản đảm bảo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với quy định của quốc tế, nguồn lợi thủy sản, bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động tại vùng khơi.
Đến nay, theo báo cáo của các tỉnh việc cấp giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi đang được thực hiện; riêng số tàu cá đã được cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, nâng cấp cần phải có lộ trình, thời gian để triển khai (thời hạn của văn bản chấp thuận có giá trị 12 tháng kể từ ngày ký).
Tổng cục Thủy sản cũng yêu cầu các địa phương tập trung triển khai Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đặc biệt là các quy định về chống khai thác IUU, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.
Theo tin TTXVN đã đưa ngày 14/9, tỉnh Phú Yên có 451 tàu cá đánh bắt thủy sản có chiều dài từ 15m trở lên được cấp Giấy phép khai thác hải sản vùng khơi và còn 730 tàu cá có công suất trên 90CV có chiều dài dưới 15m không được cấp phép, các tàu này trước đây đánh bắt ở vùng khơi nay phải đánh bắt ở vùng lộng hoặc ven bờ. Nhiều ngư dân Phú Yên đã tự cải hoán tàu cá, khi chưa có sự chấp thuận của cơ quan chức năng, bất chấp những rủi ro có thể mang lại.
Trao đổi với phóng viên Cơ quan thường trú TTXVN tại Phú Yên, ông Đào Quang Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên khẳng định, ngoài 451 tàu cá có chiều dài trên 15m được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép khai thác thủy sản ở vùng khơi, thời gian qua, tỉnh Phú Yên chưa nhận được hồ sơ cũng như chưa chấp thuận cho tàu cá có nhu cầu được cải hoán (trên 15m), vì vậy, việc chủ tàu tự ý cải hoán tàu cá là trái quy định.
Theo ông Đào Quang Minh, việc người dân tự ý cải hoán tàu cá tiềm ẩn hai rủi ro lớn, thứ nhất nếu người dân tự ý cải hoán không được sự đồng ý của cơ quan chức năng sẽ bị xử phạt theo quy định. Thứ hai tàu sau khi được ngư dân tự ý cải hoán sẽ không được cấp phép khai thác ở vùng khơi do không có hạn ngạch, đồng thời cũng không thể khai thác thủy sản ở vùng lộng do tàu đã cải hoán trên 15m…