Những bức ảnh ấn tượng về động vật hoang dã

Một con hải cẩu đang ngủ, một con chim bay lượn đang uống nước từ một dải băng, hay loài côn trùng mang hình zombie… là những hình ảnh độc đáo được giới thiệu trong cuộc thi Nhiếp ảnh Động vật hoang dã năm 2019. Triển lãm nhiếp ảnh thường niên về động vật hoang dã năm 2019 sẽ khai mạc tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London, Anh vào ngày 18-11 tới.

Có gần 50.000 bài dự thi từ các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và nghiệp dư đã được gửi trong năm nay và 100 bài sẽ được trưng bày. Những người chiến thắng sẽ được công bố tại lễ trao giải tại Hội trường Hintze của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên vào ngày 15-10 tới.

Tiến sĩ Tim Littlewood, Giám đốc khoa học của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, và là thành viên của ban giám khảo, cho biết: Trong hơn năm mươi năm qua, cuộc thi này đã thu hút các nhiếp ảnh gia, nhà tự nhiên học và nhiếp ảnh gia trẻ giỏi nhất thế giới. Nhưng quan trọng hơn là cuộc thi giúp khán giả trên toàn thế giới trải nghiệm công việc của những người chụp ảnh động vật hoang dã trong triển lãm đầy cảm hứng.

“Nhiếp ảnh có một khả năng độc đáo để châm ngòi cho các cuộc trò chuyện, tranh luận và thậm chí là hành động để bảo vệ động vật hoang dã. Chúng tôi hy vọng triển lãm năm nay sẽ giúp mọi người nghĩ khác về hành tinh của chúng ta và vai trò quan trọng của chúng ta trong tương lai”, Tiến sĩ Tim Littlewood nói.

Dưới đây là 15 bức ảnh độc đáo nhất trong cuộc thi này:

Một con hà mã mới sinh được vài ngày tuổi đang theo sát mẹ của nó ở vùng nông của hồ Kariba, Zimbabwe, khi bị một con hà mã đực săn đuổi. Hà mã đực đuổi theo người mẹ, sau đó ngoạm lấy con hà mã con và cố gắng giết nó trong sự bất lực của người mẹ. Việc giết con non đối với loài hà mã là rất hiếm nhưng vẫn có thể xảy ra khi hồ cạn nước khiến chúng căng thẳng. Hoặc việc giết con non khiến con cái rơi vào động dục, sẵn sàng giao phối với hà mã đực. Những con hà mã đực cũng rất hung hăng trong việc chiếm giữ lãnh thổ, và những trận đánh tàn bạo có thể xảy ra. Nếu chúng cảm thấy bị đe dọa, hà mã cũng sẽ tấn công và giết chết cả con người. Tác giả: Adrian Hirsch.

Một con gấu trúc chui đầu qua tấm kính trông như mặt nạ trên chiếc xe Ford Pinto từ thập niên 1970 tại một trang trại bỏ hoang ở Saskatchewan, Canada. Tác giả: Jason Bantle.

Một chú chim cánh cụt đang bơi nhanh nhất có thể để thoát khỏi nanh vuốt của con báo đốm biển đang lao ra khỏi nước. Tác giả: Eduardo Del Alamo.

Một con cá mòi con đang nhìn ra từ bên trong một con sứa nhỏ ngoài khơi Tahiti ở Polynesia thuộc Pháp. Tác giả: Fabien Michenet.

Một con báo đực đơn độc giữa một bầy chó hoang châu Phi trong Khu bảo tồn tư nhân Zimanga, KwaZulu-Natal, Nam Phi. Tác giả: Peter Haygarth.

Một con rùa biển bị thiết bị câu cá quấn chặt quanh cổ đang bò trên bãi biển đầy rác của Khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia Bon Secour ở Alabama, Mỹ. Tác giả: Mathew Ware.

Một con lười ba ngón nằm trên một cây nhiệt đới cecropia Vườn quốc gia Soberania ở Panama. Tác giả: Carlos Perez Marine.

Một con hải cẩu ngủ trên băng ngoài khơi Larsen Harbor ở Nam Gerogia. Tác giả: Ralf Schneider.

Một con chim đuôi dài đang nhấm nháp một cột băng treo trên cây ở đảo Hokkaido của Nhật Bản. Tác giả: Diana Rebman.

Một con cá voi xám con đang tò mò nhìn đôi tay vươn xuống từ một chiếc thuyền du lịch ở San Ignacio Lagoon, trên bờ biển Baja California của Mexico. Tác giả: Thomas Pheschak.

Trong làn nước trong vắt của Biển Đỏ, một đàn cá mắt to đang quay thành vòng tròn ở rìa của rạn san hô. Tác giả: Alex Mustard.

Những thân cỏ nước mảnh mai lai giữa Á và Âu, mang theo những chiếc lá mềm, đầy lông, vươn lên bầu trời từ lòng hồ Neuchâtel, Thụy Sĩ. Tác giả: Michel Roggo.

Kén của một con nhộng cyna được tìm thấy trên tường của một nhà vệ sinh công cộng ở Trung Quốc. Tác giả: Minghui Yaun.

Da của những con rắn chuông bị ghim vào một bức tường trắng. Chung quanh là dấu tay đẫm máu của con người kèm tên của người đã giết chúng. Hình ảnh này được ghi nhận tại lễ hội rắn chuông hàng năm ở Sweetwater, Texas. Mỗi năm, hàng chục nghìn con rắn chuông được bắt cho lễ hội bốn ngày này. Rắn chuông bị chặt đầu như một trò giải trí cho những người tham gia lễ hội. Những người ủng hộ các cuộc vây bắt rắn chuông cho rằng đó là điều cần thiết để kiểm soát quần thể rắn độc để bảo đảm an toàn cho người, vật nuôi và gia súc. Nhưng những người phản đối coi việc làm này là một hành vi gây tổn hại về mặt sinh thái, không bền vững và vô nhân đạo. Tác giả: Jo-Anne McArthur.

Trong một chuyến dã ngoại vào ban đêm trong rừng nhiệt đới Amazon của Peru, nhiếp ảnh gia Frank đã phát hiện ra con bọ trông kỳ quái đã chết và bám vào một thân cây dương xỉ. Trên thân nó là ba chiếc sừng bị nấm hóa trông như zombie. Thực tế là con bọ này đã bị nhiễm nấm ký sinh khi còn sống và bị nấm kiểm soát cơ thể, bắt nó phải leo cao. Khi con bọ ở độ cao thích hợp đối với loài nấm, bọ bị giữ chặt vào thân cây. Từ bên trong cơ thể con bọ, nấm bắt đầu phát triển, đậu thành quả và giải phóng vô số bào tử nhỏ để lây nhiễm cho con mồi mới. Tác giả: Frank Desframol.