Nhà chức trách Indonesia tối 15-9 đưa ra cảnh báo, khói dày đặc từ các đám cháy rừng đã khiến chất lượng không khí ở hai tỉnh Trung và Đông Kalimantan tới mức “nguy hiểm”, buộc các trường học tại hai thành phố ở đảo Borneo, Trung Kalimantan phải đóng cửa trong một tuần; cản trở các chuyến bay đến và đi từ khu vực này, và người dân được khuyến cáo cảnh giác cao với tình trạng khói mù.
Indonesia và các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Malaysia và Singapore thường xuyên hứng chịu tình trạng ô nhiễm khói mù từ việc đốt rừng làm sạch đất để canh tác rừng cọ lấy dầu. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm khói mù đang diễn ra trong năm nay đang ở mức tồi tệ nhất kể từ năm 2015 do hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino khiến tình trạng khô hạn kéo dài.
Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia cho biết, chỉ số ô nhiễm không khí (API) tại thành phố Palangka Raya, thủ phủ của đảo Borneo ở tỉnh Trung Kalimantan ngày 15-9 đã lên tới 500, là chỉ số ở mức “nguy hiểm”. Bất cứ chỉ số nào trên mức 100 đều được coi là “không tốt với sức khỏe”.
Do đó, chính quyền địa phương ra thông báo tất cả các trường học tại thành phố Palangka Raya và Sampit đóng cửa từ thứ Hai tới thứ Bảy tuần tới.
Giám đốc Sở Giáo dục Trung Kalimantan Slamet Winaryo cho biết, các trường học khác của tỉnh này sẽ bắt đầu giờ học muộn hơn nửa tiếng vào lúc 7 giờ 30 phút sáng (giờ địa phương). Đồng thời khuyến khích các tiết học chỉ kéo dài 30 phút.
Khói mù dày đặc từ các đám cháy rừng cũng khiến hầu hết chuyến bay đến và đi từ sân bay Tjilik Riwut ở thành phố Palangka Raya bị hủy bỏ.
Giám đốc điều hành sân bay Tjilik Riwut, ông Siswanto cho hay, khói mù dày đặc đã giảm đáng kể tầm nhìn xuống 600m khiến các phi công khó khăn để hạ cánh xuống sân bay.
Tình trạng khói mù cũng làm gián đoạn một số lịch trình bay, bao gồm những chuyến bay từ Palangka Raya đến các thành phố như Jakarta, Surabaya, Yogyakarta và Solo.
Tại tỉnh Đông Kalimantan, trong ngày hôm nay, khói mù dày đặc từ các đám cháy rừng đã làm giảm tầm nhìn xuống còn 10m ở Tanah Grogot, huyện Paser; và tầm nhìn chỉ còn 5m ở khu vực Tapis, rất nguy hiểm cho việc lái xe.
Người đứng đầu cảnh sát giao thông huyện Paser, ông Donny Romansa đã ra khuyến cáo các lái xe trong khu vực khói mù dày đặc phải bật đèn các phương tiện khi tham gia giao thông, cũng như hạn chế tốc độ.
Chính quyền huyện Paser cũng tuyên bố tình trạng khói mù khẩn cấp, đồng thời hối thúc người dân địa phương đeo khẩu trang khi ra ngoài.
Bộ trưởng Môi trường Indonesia hôm thứ Sáu nói rằng một số vụ cháy rừng xảy ra trên lãnh thổ của Indonesia bắt nguồn từ phần đất do các công ty Malaysia thuê sử dụng. Trong khi đó, các nước láng giềng của Indonesia là Malaysia và Singapore đang lên án các đám cháy rừng gây ra tình trạng ô nhiễm khói mù trong khu vực.
Tại Singapore, theo Trung tâm môi trường quốc gia Singapore (NEA), lần đầu tiên trong vòng ba năm qua, chỉ số tiêu chuẩn ô nhiễm (PSI) của nước này đo được vào chiều 14-9 đã ở mức “không tốt cho sức khỏe”. Đến tối 15-9, NEA thông báo PSI đã có cải thiện trong khoảng từ 91-100.
Còn tại Malaysia, ngày 15-9, chính quyền bang Johor đã lệnh đóng cửa hơn 300 trường học và nhà trẻ khi khói mù khiến chỉ số API đạt tới mức 208, mức “rất không tốt cho sức khỏe”.
Bộ Năng lượng, Khoa học, Công nghệ, Môi trường và Biến đổi khí hậu Malaysia hôm nay thông báo sẽ tập trung hoạt động tạo mưa nhân tạo tại các khu vực bị ô nhiễm khói mù nặng nề ở các bang Selangor và Johor. Hoạt động tạo mưa nhân tạo sẽ bắt đầu từ 11 giờ sáng (giờ địa phương) ở sân bay Subang.
Theo Cơ quan giảm thiểu thảm họa quốc gia Indonesia (BNPB), Indonesia đã triển khai tám máy bay trực thăng và 1.512 nhân viên tham gia dập lửa ở các đám cháy rừng trên diện tích 44.769 ha ở tỉnh Trung Kalimantan từ tháng 5 đến nay.
Dữ liệu quan sát của Trung tâm Khí hậu, Khí tượng và Địa vật lý Indonesia (BMKG) ngày 14-9 đã phát hiện 1.231 điểm cháy rừng trên đảo Sumatra, 1.865 điểm cháy rừng trên đảo Kalimantan thuộc Indonesia, 412 điểm cháy rừng trên đảo Kalimantan thuộc Malaysia, và 216 điểm cháy rừng ở Serawak và Sabah, Malaysia.
N.T (Theo CNA, Antara)