Indonesia đóng cửa hơn 30 lâm trường để hạn chế cháy rừng

Ngày 15/9, giới chức Indonesia cho biết Bộ Lâm nghiệp và Môi trường nước này đã đóng cửa hơn 30 lâm trường trên đảo Kalimantan và Sumatra của nước này trong nỗ lực hạn chế các đám cháy rừng.

Lực lượng cứu hỏa nỗ lực dập lửa cháy rừng tại Kampar, Riau, Indonesia, ngày 9/9/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo ông Yazid Nurhuda, giám đốc cơ quan thực thi pháp luật hình sự thuộc Bộ trên, phần lớn các lâm trường nằm ở tỉnh Tây Kalimantan và số còn lại nằm ở tỉnh Trung Kalimantan, Riau và Jambi.

Ông Nurhuda cho biết các đám cháy rừng lan rộng trên hai đảo này đã bao trùm 50 hécta diện tích của khu vực và đã xảy ra 3 lần là vào ngày 5, 29/8 và tháng 9 năm nay.

Trong khi đó, các trường học ở hai thành phố trên đảo Borneo của phía Indonesia sẽ phải đóng cửa trong một tuần do khói mù từ các đám cháy rừng khiến chất lượng không khí nơi đây lên tới mức độ “nguy hiểm”.

Theo số liệu của Bộ Lâm nghiệp và Môi trường Indonesia, chỉ số ô nhiễm không khí tại Palangka Raya, thủ phủ tỉnh Trung Kalimantan trên đảo Borneo ngày 15/9 đã lên tới 500, mức độ “nguy hiểm”.

Các trường học ở thành phố Sampit cũng trên đảo này sẽ đóng cửa vào tuần tới .

Trong khi đó, các trường ở những thành phố khác ở Trung Kalimantan sẽ bắt đầu giờ học muộn hơn trước đây 30 phút, tức là bắt đầu từ 7h30′ (giờ địa phương).

Các trường học cũng được khuyên là giảm 30 phút thời gian của mỗi buổi học.

Giới chức Indonesia khuyến cáo người dân tỉnh Trung Kalimantan hạn chế ra ngoài, nếu không phải đeo khẩu trang do mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Trong khi đó, các trường học tại Tây Kalimantan vốn bị đóng cửa từ ngày 12-14/9 do ô nhiễm không khí, sẽ mở cửa trở lại vào ngày 16/9.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ra lệnh cho người đứng đầu quân đội, người đứng đầu lực lượng cảnh sát quốc gia và lãnh đạo cơ quan khí tượng và địa vật lý phối hợp với nhau để đẩy mạnh cuộc chiến chống “giặc lửa”.

Các đám cháy rừng xảy ra ở Indonesia thường là do người dân đốt rừng phát quang đất để trồng cọ lấy dầu và các loại cây trồng khác cũng như các hoạt động tại lâm trường sản xuất các nguyên liệu giấy.

Tuy nhiên, cháy rừng thường vượt ngoài tầm kiểm soát đặc biệt vào mùa khô.

Indonesia đã phải huy động khoảng 10.000 binh sĩ, cảnh sát, nhân viên cơ quan phòng chống thảm họa thiên tai cùng với sự hỗ trợ của hàng chục máy bay trực thăng và máy bay chở nước dập lửa.

Cháy rừng tại Indonesia đã khiến khói mù bay sang nước láng giềng là Malaysia, Thái Lan và quốc đảo Singapore. Giới chức Malaysia đã cung cấp 500.000 khẩu trang cho người dân tại bang Serawak do mức độ ô nhiễm không khí tại bang miền Đông này tăng cao.

Chính quyền nhiều tỉnh ở miền Nam Thái Lan cũng đã phân phát khẩu trang cho người dân và du khách. Trong khi đó, Singapore cũng cảnh báo người dân hạn chế hoạt động ngoài trời.

Nguồn: