Trước tình trạng khan hiếm cát, “sốt” cát, ba địa phương gồm Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước đã thống nhất chủ trương cho khai thác cát trở lại sau hơn 2 năm tạm ngưng, đi kèm là các biện pháp siết chặt quản lý. Tuy nhiên, nguy cơ sạt lở cũng như thay đổi dòng chảy hệ sinh thái tự nhiên khiến Vườn quốc gia Cát Tiên lo lắng vì nơi đây nhiều năm qua đã chịu “tổn thương” nghiêm trọng do tình trạng khai thác cát trái phép.
Do khan hiếm cát xây dựng
Vườn quốc gia Cát Tiên (VQG Cát Tiên) là rừng cấm đóng chân trên địa bàn nhiều tỉnh gồm Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước, được công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới, có hàng nghìn loài động thực vật đặc biệt quý hiếm hầu hết có trong Sách Đỏ. Tuy nhiên, nhiều năm qua, VQG Cát Tiên đã phải đối mặt với tình trạng sạt lở nghiêm trọng từ hai bên bờ sông Đồng Nai do tình trạng khai thác cát trái phép. Hậu quả là khu vực đất “bất khả xâm phạm” thuộc quản lý của Vườn, dọc bờ sông, hàng chục nghìn mét vuông đất đã bị sạt lở, trong đó đoạn sạt dài nhất lên tới hơn nửa kilômét và sâu vào hơn 4m.
Báo cáo của VQG Cát Tiên về tình hình sạt lở ven sông Đồng Nai thuộc sự quản lý của VQG cho biết, sau khi kiểm tra trên đoạn sông dài 14km đã xác định được 18 điểm sạt lở, tổng diện tích sạt lở là 13.800m2. Sạt lở tập trung chủ yếu ở khu vực bãi cát giáp ranh giữa trạm Đà Cộ và trạm Đà Mí, gây thiệt hại cho đất rừng, tre, lồ ô, cây bụi. Ngoài ra, có 34 điểm sạt lở tại phía bờ sông thuộc huyện Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng) quản lý. Nguyên nhân do khai thác cát dưới lòng sông quá lớn làm cho dòng chảy bị thay đổi, tạo thành những hàm ếch lớn bên dưới và gây sạt lở đất bên trên.
Thời gian qua, một số doanh nghiệp đã lợi dụng việc cấp phép để hút cát cả ngày lẫn đêm khiến bờ sông sạt lở nghiêm trọng. Bên cạnh đó, do là khu vực giáp ranh nên xảy ra tình trạng doanh nghiệp dù được cấp phép khai thác ở địa phương này nhưng vẫn “vươn vòi” sang địa phận địa phương khác để khai thác. Do đó, tháng 5.2017, ba địa phương Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước quyết định tạm ngưng tất cả dự án khai thác cát đã được cấp phép trên sông Đồng Nai, đoạn giáp ranh giữa các địa phương.
Tại thời điểm tạm ngưng, địa bàn giáp ranh 3 tỉnh có 20 dự án khai thác cát được cấp phép trên sông Đồng Nai và sông Đạ Quay còn hiệu lực. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có 17 dự án được cấp phép, tỉnh Đồng Nai có 2 dự án và tỉnh Bình Phước có 1 dự án. Đến thời điểm này, UBND tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi giấy phép của 13 dự án khai thác cát.
Sau hơn 2 năm tạm yên ổn thì mới đây, cả 3 địa phương cùng thống nhất chủ trương cho phép khai thác cát trở lại đối với các doanh nghiệp đã được cấp phép nhưng bị tạm ngưng trước đó, khiến VQG Cát Tiên lo lắng. Lý do khiến ba địa phương quyết định cho phép các doanh nghiệp khai thác cát trở lại là do trong thời gian tạm ngưng, trên địa bàn các vùng giáp ranh xảy ra tình trạng khan hiếm, sốt giá cát xây dựng. “Sau khi tạm ngưng khai thác, cát xây dựng trên địa bàn huyện khan hiếm khiến giá tăng vọt, khai thác cát “lậu” gia tăng” – ông Nguyễn Hữu Ký, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú, Đồng Nai – cho biết.
Khai thác phải đúng quy định
Một chuyên gia nhận định, tại VQG Cát Tiên, trạng thái rừng ven sông rất quan trọng bảo tồn cả khu vực. Do đó, việc khai thác cát sẽ rất nguy hại đến công tác bảo tồn, bảo vệ rừng. Hệ thực vật và động vật rừng cũng bị nguy cơ khi vào mùa khô, thú ra sông uống nước, việc khai thác cát cản trở hoạt động sinh hoạt bình thường của động vật. Người hút cát cũng có thể sẽ tấn công các động vật này. Việc gián tiếp hút cát cũng dẫn đến sạt lở, ảnh hưởng môi trường; tập tục tự nhiên của sinh vật bị xáo trộn, ảnh hưởng ổn định sinh thái.
Ông Trần Văn Bình – Hạt phó Hạt Kiểm lâm VQG Cát Tiên – cho biết, vườn không phản đối việc khai thác cát, tuy nhiên phải thực hiện đúng quy định, đúng vị trí được cấp phép.
Trước những lo lắng này, ông Võ Hồng Vinh – Phó Trưởng phòng Tài nguyên nước, khoáng sản và biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Đồng Nai nói rằng, đối với mỗi vị trí khai thác, doanh nghiệp chỉ được sử dụng tối đa 2 phương tiện khai thác theo công suất đã đăng ký. Các phương tiện này cũng sẽ được gắn thiết bị định vị, camera hành trình để giám sát. Để tránh tình trạng được cấp phép ở địa phương này nhưng vẫn lén lút hút cát tại địa phận địa phương khác, các địa phương cũng yêu cầu doanh nghiệp phải thả phao định vị vị trí khai thác. Thời gian khai thác được các địa phương quy định rõ là từ 6-18 giờ hàng ngày. Cấm tuyệt đối khai thác cát vào ban đêm.
Một điểm mới nữa cũng được các địa phương đồng ý thực hiện là hằng tháng, các doanh nghiệp phải thống kê, khai báo sản lượng khai thác thực tế để tính thuế tài nguyên khoáng sản. Đây là việc làm nhằm tránh thất thu thuế khi các doanh nghiệp thường thống kê số lượng khai thác thấp hơn so với thực tế. Các quy định này doanh nghiệp khai thác phải chấp hành nghiêm. Nếu xảy ra sai phạm, cơ quan chức năng sẽ thu hồi giấy phép khai thác. Riêng việc nếu để xảy ra sạt lở bờ sông do khai thác cát, các doanh nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại – ông Võ Hồng Vinh cho hay.