Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Giới thiệu và tham vấn ý kiến phần mềm cơ sở dữ liệu và nguồn gen và tri thức truyền thống tỉnh Lào Cai” năm 2019 được Sở Tài nguyên và môi trường Lào Cai tổ chức ngày 12/9 .
Tại hội thảo, BTC đã thông tin về kết quả điều tra, khảo sát nguồn gen sinh học trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Đến thời điểm này, nhóm điều tra khảo sát đã phát hiện trên địa bàn tỉnh có 6 nhóm cây trồng chủ yếu, trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất là nhóm cây rau (40,26%) và thấp nhất là nhóm cây ăn quả (0,42%); địa phương có nguồn gen cây trồng phong phú nhất là huyện Bắc Hà, chiếm 38,86% nguồn gen cây trồng toàn tỉnh. Kế đến là huyện Văn Bàn, chiếm 38,58%. Về nguồn gen cây lâm nghiệp, đã ghi nhận có 2.705 loài, trong đó có 272 loài đặc hữu, 115 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam. Nhóm khảo sát cũng đã tổng hợp được 1.282 cây thuốc thuộc 186 loài khác nhau.
Về nguồn gen động vật, đã phát hiện 3 ngành động vật hoang dã thuộc 6 lớp, 30 bộ, 111 họ, 385 giống, 668 loài. Trong đó phần lớn là ngành dây sống gồm 4 lớp lưỡng thể, bò sát, chim và thú. Ngành chân mềm chỉ chứa 1 bộ, 1 lớp, 1 họ và 1 loài. Trong 668 loài động vật được phát hiện trên địa bàn tỉnh Lào Cai thì có 45 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam…
Tại hội nghị, các đại biểu đã tiến hành thảo luận, đóng góp ý kiến cho BTC sớm hoàn thiện “Phần mềm cơ sở dữ liệu về nguồn gen và tri thức truyền thống của tỉnh Lào Cai”. Phần mềm này được kỳ vọng sẽ tăng cường năng lực quản lý tiếp cận nguồn gen, chia sẻ lợi ích và bảo tồn đa dạng sinh học…
Lào Cai là địa phương có tính đa dạng sinh học khá cao. Công tác bảo tồn, khai thác, sử dụng đa dạng sinh học nói chung và việc quản lý, bổ sung quy hoạch, kế hoạch phát triển của tỉnh Lào Cai gặp nhiều khó khăn do hệ thống thông tin còn hạn chế. Để góp phần quản lý và sử dụng bền vững đa dạng sinh học cần có một hệ thống thông tin dữ liệu đầy đủ, tin cậy và tiện ích. Do đó, việc khảo sát, xây dựng nguồn gen và tri thức truyền thống liên quan tại tỉnh Lào Cai và tích hợp hệ thống dữ liệu quốc gia là vô cùng cấp thiết. Thông qua việc khảo sát và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn gen sẽ giúp tỉnh Lào Cai quản lý, bảo tồn và khai thác đa dạng sinh học một cách hợp lý, điều này sẽ giúp các loài động thực vật đang có trong sách đỏ được bảo tồn và phát triển.