Trung Quốc không chi trả bảo hiểm cho thuốc từ vảy tê tê

Thông báo của chính phủ Trung Quốc đưa ra cuối tháng 8 cho hay các loại thuốc cổ truyền có chứa vảy tê tê sẽ không còn được các quỹ bảo hiểm nhà nước chi trả.

Theo tổ chức phi lợi nhuận China Biodiversity and Green Development Foundation, vảy loài động vật nguy cấp này được sử dụng trong hơn 60 loại thuốc chữa bệnh do hơn 200 công ty dược phẩm sản xuất thương mại. Các loại thuốc này được đồn là có thể chữa các bệnh từ tắc sữa sau sinh đến tuần hoàn kém.

Nhu cầu về vảy tê tê để sử dụng trong y học cổ truyền đe dọa cả 8 loài tê tê vào cảnh tuyệt chủng.

Bảo hiểm y tế quốc gia cùng Cục nhân lực và an sinh xã hội cũng gạt đồi mồi, cá ngựa, san hô và sừng linh dương saiga khỏi danh sách các loại thuốc đủ điều kiện được bảo hiểm chính phủ chi trả. Danh sách này được cập nhật vài năm một lần, bao gồm việc thêm hoặc bớt cả thuốc Tây lẫn y học truyền thống – không đi sâu vào chi tiết về loại sản phẩm nào từ tê tê, chỉ đề cập đến các loại thuốc sắc uống hoặc chất lỏng được pha.

Tê tê được cho là động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới, với ước tính một triệu cá thể bị bắt từ tự nhiên trong khoảng thời gian từ năm 2000-2013, theo TRAFFIC. Và khi cả bốn loài tê tê ở châu Á trở nên ngày càng khan hiếm, nạn buôn lậu chuyển hướng sang bốn loài ở châu Phi, nơi hàng trăm ngàn cá thể, thậm chí hàng triệu cá thể bị săn lùng mỗi năm.

Thương mại quốc tế về tê tê châu Á đã bị cấm vào năm 2000. Đối với các loài ở châu Phi là năm 2017. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục cho phép bán tê tê và các sản phẩm vảy tê tê trong nội địa, nhấn mạnh rằng vảy lấy từ các kho dự trữ trước khi lệnh cấm giao dịch quốc tế có hiệu lực. Các tỉnh của Trung Quốc chấp thuận cho các công ty dược phẩm sử dụng 29 tấn vảy mỗi năm, tương đương với 73.000 cá thể tê tê.

Cục lâm nghiệp Trung Quốc cũng cho biết đang xem xét nâng cấp tê tê từ Cấp II lên Cấp I trong luật bảo vệ động vật hoang dã. Điều đó có nghĩa là việc bán và sử dụng tê tê cũng như các sản phẩm từ tê tê chỉ được cho phép trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như nghiên cứu khoa học, và cần phải có sự chấp thuận của chính phủ.

Thay đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Nhật Anh (Theo National Geographic)

Nguồn: