Nhật Bản nghiên cứu cơ chế rác nhựa gây ô nhiễm hệ sinh thái biển

Cơ quan Khoa học và Công nghệ Biển-Trái Đất của Nhật Bản (JAMSTEC) sắp khởi động dự án nghiên cứu quan trọng để tìm hiểu cơ chế mà rác nhựa gây ô nhiễm đáy biển và ảnh hưởng tới hệ sinh thái.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Cơ quan Khoa học và Công nghệ Biển-Trái Đất của Nhật Bản (JAMSTEC) sắp khởi động dự án nghiên cứu quan trọng để tìm hiểu cơ chế mà rác nhựa gây ô nhiễm đáy biển và ảnh hưởng tới hệ sinh thái.

Ảnh: Internet

Dự án nghiên cứu này sẽ kéo dài trong thời gian ba tuần từ ngày 28/8. Đài truyền hình NHK cho biết một nhóm nghiên cứu của JAMSTEC sẽ tiến hành nghiên cứu ở vùng biển ngoài khơi vịnh Sagami ở phía Nam Tokyo, và vùng biển ngoài khơi bán đảo Boso ở phía Đông Tokyo.

Các nhà nghiên cứu sẽ đo lượng hạt vi nhựa chứa trong trầm tích lấy từ đáy biển ở độ sâu trong khoảng từ 1.200m cho đến 9.200m. Họ sẽ tìm hiểu xem hạt vi nhựa bắt đầu tích tụ từ khi nào, và liệu có thể tìm thấy loại hạt này trong ruột của động vật dưới biển hay không.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng sẽ thực hiện thí nghiệm tìm hiểu xem nhựa sẽ phân hủy theo thời gian như thế nào ở môi trường sâu dưới biển.

Nhóm này cho biết các miếng nhựa sẽ được đặt ở độ sâu 1.200m trong thời gian 3 năm.

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, Nhật Bản là nước có lượng rác nhựa bình quân đầu người lớn thứ hai thế giới.

Ngày 31/5, Chính phủ Nhật Bản đã công bố gói chính sách với mục tiêu giảm lượng rác thải nhựa ra đại dương, thúc đẩy tái chế chai nhựa tại Nhật Bản và ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường biển do hạt nhựa siêu nhỏ.

Trong đó, Tokyo đặt mục tiêu, đến năm 2030, giảm 25% rác thải nhựa có thể phân hủy và đến năm 2035, tái chế hoặc tái sử dụng 100% loại rác thải nhựa, bao gồm cả vật liệu được sử dụng trong các thiết bị điện và phụ tùng ô tô.

Đào Tùng (P/v TTXVN tại Tokyo)

Nguồn: