Trong bối cảnh, Nhật Bản vẫn chưa tìm ra được giải pháp để xử lý dứt điểm nước nhiễm phóng xạ thải ra sau vụ nổ nhà máy điện Fukushima trong thảm họa kép động đất sóng thần năm 2011, Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Yoshiaki Harada ngày 10/9 đã đề cập khả năng Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) sẽ phải đổ loại nước thải này ra Thái Bình Dương vì không còn nơi chứa.
TEPCO đã thu gom vào các thùng chứa hơn 1 triệu tấn nước nhiễm xạ dùng để làm lạnh các đường ống được sử dụng để bảo quản các thanh nhiên liệu không bị tan chảy. Công ty này cho biết sẽ hết chỗ chứa nước nhiễm phóng xạ vào năm 2022.
Trước tình hình này, Bộ trưởng Harada cho rằng “lựa chọn duy nhất sẽ là phải thải ra biển và pha loãng lượng nước nhiễm phóng xạ này”. Ông Harada không nói cụ thể bao nhiêu nước nhiễm phóng xạ sẽ phải xả ra biển, song cho biết “sẽ đề xuất lựa chọn của mình” khi chính phủ thảo luận về việc này.
Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo khác, Chánh Văn phòng nội các Yoshihide Suga cho biết bình luận của Bộ trưởng Harada chỉ là “ý kiến cá nhân”. Người phát ngôn của TEPCO cũng không có phản hồi nào về tuyên bố trên của của Bộ trưởng Harada và cho biết công ty không có quyền quyết định cách xử lý, mà phải làm theo chính sách của chính phủ.
Hiện Chính phủ Nhật Bản đang đợi một bản báo cáo của một nhóm chuyên gia trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về cách xử lý nước thải nhiễm phóng xạ.
Nếu chính phủ “bật đèn xanh” cho việc xả nước nhiễm phóng xạ ra biển, việc này sẽ vấp phải sự phản đối của các nước láng giềng như Hàn Quốc. Tháng trước, Seoul đã triệu tập một quan chức cấp cao Đại sứ quán Nhật Bản yêu cầu giải thích cách xử lý nước của nhà máy Fukushima. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng đã ra tuyên bố đề nghị Nhật Bản “đưa ra quyết định thông minh và thận trọng về việc này”.
Các nhà máy hạt nhân ven biển thường thải vào đại dương loại nước có chứa tritium, một chất đồng vị của hydro khó phân tách và được coi là tương đối vô hại. Sau khi vấp phải sự phản đối của ngư dân, TEPCO hồi năm ngoái thừa nhận rằng nước trong các thùng chứa có các chất gây ô nhiễm, ngoài tritium.