10 ngày sau khi xảy ra vụ cháy kho xưởng, lãnh đạo Công ty CP Bóng đèn và phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông) mới có thư xin lỗi người dân.
Lời xin lỗi muộn màng càng khiến dư luận bất bình về việc lãnh đạo công ty này vô trách nhiệm, giấu giếm thông tin về việc hóa chất độc hại đã phát tán ra môi trường và không có khuyến cáo để người dân, công nhân công ty phòng tránh. Dưới góc độ pháp lý, các luật sư cho rằng, có cơ sở pháp lý để yêu cầu bồi thường.
Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật nhận định, đáng ra, ngay khi xảy ra sự cố, Công ty Rạng Đông phải thông tin, thông báo kịp thời, trung thực về số lượng, chủng loại chất độc, chất gây nguy hại, chất gây ô nhiễm để cơ quan chức năng có thẩm quyền áp dụng biện pháp ứng phó sự cố cho tương thích. Công ty Rạng Đông cũng cần phải thực hiện ngay biện pháp ngăn chặn, hạn chế nguồn gây ô nhiễm môi trường và hạn chế sự lan rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của nhân dân. Chính việc che giấu thông tin dẫn đến việc cơ quan chức năng đã không có đầy đủ thông tin nên đánh giá không đúng mức về quy mô, sự nguy hại cho sức khỏe của người dân nên dẫn đến không kịp thời có biện pháp ứng phó, khắc phục khiến cho sự cố môi trường càng nghiêm trọng hơn.
Luật sư Bình cho rằng, do đó cần xem xét dấu hiệu hình sự của các cá nhân có liên quan có lỗi để xảy ra vụ cháy, có lỗi trong việc thông tin thiếu trung thực, đầy đủ, không ứng khó, khắc phục sự cố môi trường theo Điều 237 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Nếu có việc cung cấp thông tin không chính xác, không kịp thời mà gây ra thiệt hại đến sức khỏe, tài sản của tổ chức, cá nhân thì cần làm rõ yếu tố này để xử lý trách nhiệm cá nhân đối với hậu quả vụ cháy.
Luật sư Bình nhận định, từ vụ việc tại Công ty Rạng Đông, theo quy định Điều 584 Bộ luật Dân sự, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Căn cứ Điều 602 bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường thì chủ thể gây ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi. Do đó, trong trường hợp này, theo Luật sư Diệp Năng Bình người dân sống xung quanh khu vực nhà máy Rạng Đông bị cháy gây ô nhiễm có đầy đủ cơ sở pháp lý để yêu cầu bồi thường.
Theo Luật sư Bình, kể từ khi xảy ra sự cố cho đến những ngày qua hàng trăm hộ dân với hàng ngàn nhân khẩu sống quanh khu vực nhà máy đang phải sống chung với nhiều hóa chất độc hại, hít không khí ô nhiễm và rất ảnh hưởng tới sức khỏe. Sau 2 ngày xảy ra sự cố, quận Thanh Xuân cơ quan quản lý nhà nước của TP Hà Nội mới cho thực hiện lấy mẫu phân tích, quan trắc môi trường, rồi vội kết luận môi trường an toàn. Theo thông tin báo chí thì được biết có rất nhiều đơn thư kiến nghị của người dân về việc giải quyết hậu quả vụ cháy. Bên cạnh đó, một số cơ quan báo chí cũng nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của một số hộ dân ở P.Hạ Đình. Ngược lại, theo báo cáo của lãnh đạo Q.Thanh Xuân và các ban, ngành của Hà Nội, tình hình “rất ổn định”, thông tin đã được công khai kịp thời đến nhân dân. Qua sự việc, chúng ta thấy rằng UBND phường Hạ Đình đã phản ứng rất nhạy cảm với vấn đề. Và việc UBND quận Thanh Xuân yêu cầu thu hồi cảnh báo và đề nghị kiểm điểm lãnh đạo phường vì ra thông báo cảnh báo người dân là vô trách nhiệm. Sự việc cũng cho thấy Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo không kịp thời, thiếu đi những biện pháp để xử lý hiệu quả.
Cùng bàn về vấn đề trên, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, sau vụ cháy kho xưởng Công ty Rạng Đông dù đến nay chưa thống kê được thiệt hại về tài sản và sức khỏe của con người, tuy nhiên có rất nhiều người đã phải thăm khám, điều trị, nhiều người phải sơ tán, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh quanh khu vực đám cháy phải ngừng hoạt động.
Thông tin về mức độ nguy hiểm của sự cố này là không chính xác, không kịp thời làm gia tăng những thiệt hại, mối nguy hiểm cho người dân. Công ty Rạng Đông, các cơ quan chức năng cần phải làm rõ sai phạm có yếu tố cá nhân và làm rõ mối quan hệ nhân quả giữa sai phạm này đối với hậu quả gây ra thiệt hại đến sức khỏe, tài sản của người dân để có hình thức xử lý cho phù hợp. Nếu hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì cũng cần truy cứu trách nhiệm hình sự.