Đây là quy định tại dự thảo Thông tư hướng dẫn một số quy định về hoạt động chăn nuôi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn soạn thảo lấy ý kiến góp ý của nhân dân.
Theo dự thảo, nguyên tắc xác định khoảng cách từ trang trại chăn nuôi đến đối tượng bị tác động là khoảng cách từ chuồng nuôi hoặc khu vực chứa chất thải chăn nuôi đến đối tượng bị tác động.
Đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ khoảng cách tối thiểu từ trang trại chăn nuôi đến khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, khu dân cư là 100 m; trường học, bệnh viện, chợ là 150m.
Đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa khoảng cách tối thiểu từ trang trại chăn nuôi đến khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, khu dân cư là 200 m; trường học, bệnh viện, chợ, đường giao thông chính, nguồn nước mặt là 300m.
Đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn khoảng cách tối thiểu từ trang trại chăn nuôi đến khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, khu dân cư là 400 m; trường học, bệnh viện, chợ, đường giao thông chính, nguồn nước mặt là 500m.
Khoảng cách giữa 02 trang trại chăn nuôi của 02 chủ thể khác nhau tối thiểu là 50m.
Quy định về quản lý chăn nuôi ong mật
Dự thảo nêu rõ, quy mô đàn đối với các điểm đặt ong từ 50 đàn trở lên đối với ong nội và từ 100 đàn trở lên đối với ong ngoại. Mật độ nuôi ong trên 01 ha có nguồn hoa không quá 60 đàn đối với ong nội và 40 đàn đối với ong ngoại.
Khoảng cách các điểm đặt ong tối thiểu giữa 02 điểm đặt ong nội là 01km; giữa 02 điểm đặt ong nội với ong ngoại và giữa 02 điểm đặt ong ngoại là 02 km.
Phương thức di chuyển, cây trồng, vùng hoa nuôi ong mật, sử dụng ong mật thụ phấn cho cây trồng: Khi di chuyển đàn ong từ khu vực này sang khu vực khác phải di chuyển bằng phương tiện phù hợp; đàn ong phải có nguồn gốc rõ ràng và phải đảm bảo theo quy định của pháp luật về thú y;
Nuôi ong mật có lợi cho cây trồng, sử dụng ong mật để thụ phấn cho cây trồng, không được xua đuổi ong mật dưới mọi hình thức.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.