Ngày 5/9, New Zealand công bố kế hoạch bảo vệ các tuyến đường thủy trong nước sau những chỉ trích lớn về việc canh tác công nghiệp và du lịch quá mức đang gây ô nhiễm các hồ và sông, làm tổn thương hình ảnh đất nước thân thiện với môi trường.
Các biện pháp mới đặt ra những hạn chế đối với thâm canh, chuyển đổi đất để chăn nuôi bò sữa và lượng phân bón nitơ tổng hợp mà nông dân có thể sử dụng trên các cánh đồng.
Chính phủ New Zealand cho biết các tiêu chuẩn cao hơn sẽ được áp dụng tại các điểm bơi du lịch nổi tiếng.
David Parker, Bộ trưởng Môi trường New Zealand cho biết: “Sông, hồ và vùng đất ngập nước của chúng ta đang bị đe dọa nghiêm trọng sau nhiều năm bị lãng quên”.
“Nước sạch rất quan trọng đối với nền kinh tế và thương hiệu quốc gia của chúng ta. Các ngành xuất khẩu chính và du lịch của chúng ta dựa vào hình ảnh xanh, sạch của đất nước” – ông David Parker nhấn mạnh.
Ngành công nghiệp chăn nuôi bò sữa đang bùng nổ cùng với sự gia tăng lượng khách du lịch tìm kiếm các điểm tham quan tự nhiên hoang sơ đã gây thiệt hại cho môi trường New Zealand – một trong những quốc gia được cho là trong sạch nhất thế giới.
Theo một số chuyên gia, mạng lưới sông, hồ nguyên sơ rộng lớn của đất nước này hiện đang nằm trong số hệ thống của những quốc gia ô nhiễm nhất thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
“Khoảng 60% đường thủy ở New Zealand không phù hợp để bơi lội”, Bộ Môi trường New Zealand cho biết trong một báo cáo hồi năm 2014. Theo các chuyên gia, chất lượng nước đã xuống cấp hơn kể từ đó.
Kế hoạch lần này cũng bao gồm cải thiện các tình huống rủi ro nông trại và giúp nông dân quản lý rủi ro về môi trường. Kế hoạch hứa hẹn tăng cường bảo vệ cho vùng đất ngập nước và suối.
Chính phủ New Zealand cho biết sẽ phấn đấu đạt được sự cải thiện đáng kể trong 5 năm.
Ủng hộ kế hoạch này, Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) cho biết số lượng bò sữa đã tăng gần gấp đôi kể từ những năm 1990 và việc sử dụng phân bón nitơ tổng hợp đã tăng 600%.