Từ ngày 2 – 3.9, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 (Podul) và áp thấp nhiệt đới đang hình thành trên biển Đông, các tỉnh miền Trung từ Nghệ An đến Thừa Thiên – Huế xảy ra mưa to và rất to kéo dài, nước nhiều con sông dâng cao rất nhanh. Sau đợt hạn hán nghiêm trọng vừa dứt, miền Trung lại đối mặt với mưa lũ gây thiệt hại nặng nề về hoa màu, tài sản, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân, làm 3 người chết và mất tích.
Mưa lớn, ngập lụt khắp nơi
Mưa lớn tại tỉnh Quảng Trị diễn ra từ ngày 2.9 đến 15h ngày 3.9 với lượng mưa tương đối lớn (150 – 250mm, cục bộ có nơi trên 300 – 400mm) khiến mực nước các sông trên địa bàn dâng cao ở mức báo động 1, có nơi xấp xỉ báo động 2.
Tại huyện Đakrông, mưa lớn đã gây nên tình trạng sạt lở đất đá nghiêm trọng ở trên tuyến đường Hồ Chí Minh, khiến các phương tiện giao thông gặp khó khăn. Trên tuyến này có 23 điểm sạt lở phía taluy dương, trong đó có 2 điểm sạt lở nặng. Có khoảng 3.000m3 khối đất đá tràn xuống mặt đường gây ách tắc giao thông. Huyện Hướng Hóa, mưa lớn đã gây ngập lụt cục bộ, nhiều nơi bị cô lập.
Tại Nghệ An, sáng 3.9, mưa lớn đã làm nhiều tuyến đường tại thành phố Vinh (Nghệ An) ngập nước, các phương tiện di chuyển khó khăn. Một số xe máy bị chết máy, hoặc không thể di chuyển do một số tuyến đường: Tôn Thất Tùng, Phong Định Cảng, Duy Tân… ngập sâu.
Địa bàn huyện Kỳ Sơn cũng xảy ra mưa to khiến nhiều điểm trên tuyến quốc lộ 7A bị sạt lở. Cụ thể, đoạn từ trung tâm thị trấn Mường Xén lên xã biên giới Nậm Cắn xảy ra tình trạng sạt lở một lượng lớn đất đá xuống lòng đường gây khó khăn cho người và phương tiện lưu thông. Đoạn đường này có chiều dài 22km; do mưa lớn đã làm nhiều điểm bị sạt lở, đất lấp toàn bộ mặt đường. Đoạn quốc lộ 7 đi qua bản Noong Dẻ, xã Nậm Cắn có đến 4 điểm mặt đường bị đất lấp gây khó khăn cho người và phương tiện lưu thông.
Ông Ngô Văn Đoán – Chi cục trưởng Chi cục QLĐB II.6 (Cục QLĐB II) – cho biết, hiện Chi cục đang tiếp tục kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị khẩn trương khắc phục, tổ chức cảnh báo, hốt dọn đất cát sạt lở để đảm bảo giao thông trên tuyến đường Hồ Chí Minh – nhánh Tây, đoạn từ Km313+ 800 – Km318 qua địa phận tỉnh Thừa Thiên – Huế. Đã có 5 điểm sạt lở đường, sạt lở taluy âm, taluy dương, trong đó có vị trí sạt lở khoảng 1/3 mặt đường.
Tại Hà Tĩnh, với lưu lượng xả lũ điều tiết ở mức hơn 1.000m3/s của thủy điện Hố Hô, sáng nay (3.9) tại 8 xã của huyện Hương Khê một số tuyến đường đã bị ngập lụt, gây chia cắt. Ông Hoàng Xuân Tần – Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ – cho biết, hiện đường từ xã Hà Linh sang Phương Mỹ đã bị nước lũ chia cắt. Đường liên thôn ở xã Phương Mỹ cũng đã bị ngập một số điểm gây chia cắt cục bộ.
Do mưa lớn và Nhà máy Thủy điên Hố Hô xả lũ, hiện trên địa bàn huyện Hương Khê đã có 10 xã bị ngập cục bộ, giao thông bị chia cắt, gồm: Phúc Trạch, Hương Trạch, Lộc Yên, Phương Điền, Phương Mỹ, Hòa Hải, Hà Linh, Hương Giang, Hương Thủy và Hương Lâm.
Theo ông Lê Quang Vinh – Trưởng phòng NNPTNT huyện Hương Khê – hiện tại, nước ở các sông đang tiếp tục dâng lên, nếu tiếp tục mưa lớn, nguy cơ nhiều địa phương ở Hương Khê sẽ bị ngập lụt lớn với mức báo động 3. Nếu mưa lớn kéo dài, sẽ gây thiệt hại cho 900ha lúa hè thu và hoa màu, đặc biệt là cây ăn quả, trong đó, bưởi Phúc Trạch mới thu hoạch được khoảng 30% trong tổng số diện tích 1.900ha.
Tại thôn Xuân Phú, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cũng đã xảy ra mưa lớn, gió giật mạnh kèm theo lốc làm tốc mái một số nhà dân trên địa bàn. Lúc 3h sáng 3.9, gió lớn đã cuốn phần mái dãy nhà 2 tầng ở Trường Tiểu học Ngọc Sơn (Thạch Hà). Một số phòng học khác cũng bị tốc mái, cây cối trong khuôn viên trường bị gãy đổ.
Tại huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình), tuyến đường qua ngầm Lạc Thiện về xa Tân Hóa đã bị ngập trên 30cm; nước lũ đã ngập sâu ở ngầm tràn về xã Minh Hóa khiến địa bàn này bị cô lập; nhiều tuyến đường đã bị chia cắt nhiều đoạn do nước lũ như đường vào các bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ của đồng bào Rục (xã Thượng Hóa); vào các xã vùng Lòm (xã Trọng Hóa); bản Ka Ai (xã Dân Hóa)…
Tại xã Minh Hóa có 2 nhà tại khu di dân bị sạt lở, hiện nay chính quyền địa phương đã huy động lực lượng di dời người và tài sản về nơi an toàn. Tại huyện Quảng Ninh, nhiều tuyến đường cũng bị ngập lụt khiến giao thông qua lại rất khó khăn và nguy hiểm. Hiện mưa lớn đang diễn ra trên địa bàn tỉnh Quảng Bình khiến mực nước trên sông Gianh tại địa bàn hai huyện Minh Hóa và Tuyên Hóa đang lên rất nhanh.
Khẩn trương khắc phục hậu quả
Ông Lê Quang Vinh – Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) – cho biết: “Với tình hình này, chắc chắn sẽ lụt to, dự kiến phải trên báo động 3. Huyện đã lên phương án chủ động phòng chống 4 tại chỗ, sơ tán dân lên các trường học, trụ sở nếu lũ lên cao”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) Phạm Quốc Thanh cho biết: “Hiện UBND huyện đang tập trung đôn đốc, chỉ đạo các địa phương, phòng ngành chủ động nắm chắc tình hình, triển khai đồng bộ các biện pháp ứng cứu, bảo vệ mùa màng.
Các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện bám sát cơ sở để kiểm tra, đánh giá tình hình tại các địa phương, đôn đốc công tác thu hoạch 120ha lúa vụ hè thu, bổ cứu các biện pháp tiêu cho các xứ đồng; đặc biệt là công tác di dời tài sản, chuẩn bị tốt công tác chuẩn bị sơ tán dân khi có lệnh, ứng phó hiệu quả với nguy cơ xẩy ra lũ lớn”.
Ngay sau khi xảy ra sự việc một số nhà dân, trường học bị tốc mái, lãnh đạo xã Kỳ Xuân (Kỳ Anh – Hà Tĩnh) đã chỉ đạo lực lượng quân sự, công an, lực lượng xung kích của xã kịp thời có mặt, cố gắng khắc phục sự cố đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bà con nhân dân chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, chằng chéo, gia cố thêm nhà cửa để giảm thiểu thiệt hại.
“Trong điều kiện mưa lớn, nhưng chúng tôi đã huy động lực lượng và phương tiện đến hiện trường để xử lý, hiện giao thông đã thông suốt trở lại” – ông Nguyễn Trung Thông, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ 2.5, Cục Quản lý đường bộ 2 cho biết. Tại huyện miền núi Hướng Hóa, tại thị trấn Lao Bảo cũng bị ngập cục bộ nhiều nơi. Đặc biệt, mực nước trên sông Sê Pôn lên nhanh, nên chính quyền đã sơ tán 145 hộ với 614 nhân khẩu đến nơi an toàn.
3 người chết và mất tích
Hiện có 1 người bị mất tích là Hồ Thị Chăn (sinh năm 1989, ở bản Pa Chông, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa Quảng Bình). Chiều ngày 2.9 chị Chăn ra khỏi nhà nhưng đến nay chưa về, nghi bị nước lũ cuốn trôi. Hiện lực lượng chức năng đang nỗ lực tìm kiếm chị Chăn. Tại Nghệ An, có 2 trường hợp tử vong do đuối nước là chị Trương Thị Vinh (SN 1970, trú xóm 2, xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn) đi bắt cá một mình trong thời điểm nước dâng cao, bị sảy chân xuống hồ Đập Mới. Anh Hồ Vĩnh Hiệp (SN 1998, trú thôn Toàn Lực, xã An Hòa) trong khi đi thả lưới bắt cá tại cánh đồng giáp với xã Quỳnh Yên thì bị trượt chân rơi xuống ao sâu và tử vong. |