Nhiều người từng nghĩ rằng Bắc Cực, sông băng Greenland hay rừng nhiệt đới Amazon là những nơi chưa hề bị ảnh hưởng bởi tình trạng biến đổi khí hậu trên Trái Đất. Nhưng họ sẽ phải giật mình. Họ sẽ phải nghĩ lại. Băng ở hai cực đang tan chảy và rừng Amazon đang bốc cháy.
Hành tinh Xanh thân yêu của chúng ta đang run rẩy hứng chịu cơn thịnh nộ của “Mẹ thiên nhiên”, bởi chính hành động do con người gây ra trong những năm gần đây. Amazon là rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới với diện tích gần 7,6 triệu km2. Amazon được xem là “lá phổi xanh của hành tinh”, cung cấp khoảng 20% lượng khí oxy trên Trái Đất.
Thế nhưng, “tấm khiên xanh” bảo vệ Trái Đất đang chứng kiến số vụ cháy rừng kỷ lục. Theo số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Brazil (INPE), chỉ riêng trong vòng một tháng qua, hơn 2.250 hécta rừng Amazon đã bị cháy rụi, tăng 278% so với cùng kỳ năm ngoái. Khoảng 80.000 đám cháy rừng đã được ghi nhận ở quốc gia Nam Mỹ này trong 8 tháng đầu nay.
Giáo sư Đại học Trung ương Venezuela (UCV) Jorge Naveda cảnh báo nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm từ 0,1- 0,2 độ C và hậu quả của các vụ cháy rừng Amazon sẽ làm tăng thêm nhân tố tác động tiêu cực tới môi trường, gây hạn hán kéo dài, bởi hệ sinh thái vùng Amazon có tầm quan trọng đối với khí hậu, ảnh hưởng đến lượng mưa và gió trên toàn thế giới chứ không chỉ ở khu vực châu Mỹ.
Hậu quả sẽ không thể lường hết nếu như cháy rừng Amazon đẩy nhiệt độ Trái Đất tăng lên và làm mất cân bằng hệ sinh thái toàn cầu. Cháy rừng sẽ khiến biến đổi khí hậu nghiêm trọng hơn vì không chỉ thải ra CO2 vào bầu khí quyển, mà còn có thể khiến cây cối, thực vật chết, từ đó giảm khả năng hấp thụ khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Không chỉ rừng Amazon bốc cháy, cách đó nửa vòng thế giới ở miền Trung châu Phi, các vùng thảo nguyên rộng lớn cũng đang cháy rừng rực. Khu vực Bắc Cực ở Siberia cũng cháy, thậm chí với tốc độ lịch sử. Từ tháng 7 tới nay, lửa đã biến 6 triệu hécta rừng Siberia (Nga) thành tàn tro. Ở Alaska (Mỹ), cháy rừng thiêu đốt hơn 2,5 triệu hécta rừng tuyết và lãnh nguyên.
Điều đáng nói là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng cháy rừng khắp nơi trên thế giới như hiện nay xuất phát từ chính hành động của con người, từ những hành vi thiếu ý thức và hành động khai thác vắt kiệt sức thiên nhiên để phát triển kinh tế bất chấp hậu họa. Các đám cháy ở Amazon chủ yếu bắt nguồn từ việc đốt phát quang đất rừng để lấy đất trồng trọt và chăn nuôi.
Mà không chỉ có cháy rừng. Biến đổi khí hậu còn khiến nhiệt độ Trái Đất tăng lên và đây là nguyên nhân chính dẫn tới việc băng tan ở hai cực và sông băng Greenland. Hàng tỷ tấn nước tan ra từ các khối băng khổng lồ ở Greenland và Nam Cực đang đổ về các đại dương có thể dẫn tới nhiều hình thái thời tiết cực đoan hơn, gây xáo trộn khí hậu Trái Đất hơn trong nhiều thập kỷ tới.
Theo nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí Environmental Research Letters, băng tan tại Bắc Cực khiến mỗi giây lại có tới 14.000 tấn nước tại đây đổ ra các đại dương. Lượng băng tan chảy ở dải băng lớn thứ hai thế giới này mỗi năm khiến nước biển dâng cao khoảng 0,7 mm, song với tốc độ như hiện nay, con số này có thể lên đến 1mm, thậm chí là 2mm tại các quốc gia vùng ôn đới. Kể từ năm 1972, lượng băng tan từ Greenland đã làm mực nước biển toàn cầu dâng lên 13,7mm, đủ để nhấn chìm và xóa sổ nhiều làng mạc và cộng đồng dân cư duyên hải ở nhiều nơi trên thế giới.
Điều trớ trêu là các nền kinh tế thải phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất, tác nhân chính gây biến đổi khí hậu, lại không phải hứng chịu hậu quả nặng nề của tình trạng này. Nạn nhân trực tiếp của tình trạng biến đổi khí hậu là các nền kinh tế đang phát triển và những quốc gia ven biển, trong đó có Việt Nam.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, trong giai đoạn từ năm 1994-2013, Việt Nam đứng thứ 7 thế giới trong danh sách các nước phải đối mặt với rủi ro của biến đổi khí hậu và mỗi năm Việt Nam thiệt hại hơn 1% GDP do các thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng là một trong 5 quốc gia chịu tác động rất mạnh của tình trạng nước biển dâng.
Giai đoạn 2014-2016, hiện tượng El Nino đã khiến 18 tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long phải hứng chịu hạn hán trên diện rộng, xâm nhập mặn làm ảnh hưởng đến cuộc sống khoảng 2 triệu người dân và hàng trăm nghìn hécta đất nông nghiệp bị thiệt hại.
Là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nền nhất của biến đổi khí hậu, song có lẽ Việt Nam cũng được bạn bè quốc tế đánh giá là một trong những nước tích cực ứng phó nhất, và ứng phó một cách có hiệu quả, trước tình trạng này.
Ngày 2/8 vừa qua, Bộ Chính trị đã ra Kết luận về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Kết luận cho rằng năng lực phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam đã được nâng lên một bước. Tài nguyên thiên nhiên được quản lý chặt chẽ hơn, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, kết luận cũng thẳng thắn thừa nhận bên cạnh các kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Biến đổi khí hậu diễn biến nhanh hơn dự báo, gây hậu quả ngày càng lớn. Khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai còn thấp, nền kinh tế dễ bị tổn thương và chịu thiệt hại lớn khi có thiên tai xảy ra.
Đối với Việt Nam nói riêng, và mở rộng ra là cả cộng đồng quốc tế, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu chưa bao giờ là dễ dàng. Cuộc chiến ấy đòi hỏi sự chia sẻ kinh nghiệm, chung tay phối hợp của tất cả các nước. Yếu tố quan trọng nhất trong cuộc chiến này vẫn là con người – chủ nhân đích thực của Hành tinh Xanh. Và chừng nào con người còn hành động thiếu trách nhiệm với thiên nhiên, còn mưu cầu lợi ích bất chấp hậu quả gây ra cho thiên nhiên, thì chừng đó Trái Đất thân yêu của chúng ta sẽ còn đối mặt với những cơn thịnh nộ của “Mẹ thiên nhiên”.