Với tham vọng tới năm 2045 đưa Mỹ trở thành nền kinh tế sử dụng 100% năng lượng sạch, ngày 3/9, ứng cử viên tranh cử Tổng thống Mỹ tiềm năng của đảng Dân chủ Cory Booker đã công bố một kế hoạch khí hậu trị giá 3.000 tỷ USD.
Kế hoạch của ông Booker kêu gọi thành lập một quỹ môi trường mới do Nhà Trắng điều phối, tập trung bảo vệ các cộng đồng dân cư đang đứng trước các mối đe dọa về môi trường, trong đó có chương trình xử lý ô nhiễm chì quy mô toàn quốc để thay thế tất cả các ống dẫn nước làm từ kim loại chứa chì tại các trường học và nhà ở.
Ông Booker cam kết sẽ đánh thuế carbon đối với các nhà sản xuất dầu mỏ, khí đốt và than đá. Khoản thuế này sẽ được trích ra phân phối lại cho người dân Mỹ hàng tháng dưới một hình thức nào đó.
Thượng nghĩ sĩ Dân chủ đến từ bang New Jersey này cũng cho biết nếu đắc cử Tổng thống Mỹ sẽ ký một số lệnh hành pháp, trong đó cấm các hợp đồng cho thuê nhiên liệu hóa thạch ngoài khơi và trên đất liền, yêu cầu tất cả các phương tiện chở khách mới không được thải carbon kể từ năm 2030 cũng như các công ty sử dụng nhiên liệu hóa thạch ngăn chặn các vụ rò rỉ khí methane có thể xảy ra.
Ông cũng đưa ra một số cải cách mà có thể sẽ khó qua ải Quốc hội, như ngừng trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch, đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án lưu trữ năng lượng, năng lượng sạch và xe điện, đồng thời cấm xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030.
Ông Booker nhấn mạnh: “Chúng ta đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kép gồm biến đổi khí hậu và bất bình đẳng kinh tế”. Ông cho rằng nếu không nhanh chóng hành động, thiệt hại về người là rất nghiêm trọng do các rủi ro về các thảm họa thiên nhiên, sức khỏe, các mối đe dọa an ninh quốc gia. Ngoài ra, thiệt hại về kinh tế ước tính lên tới hàng nghìn tỷ USD.
Ông Booker, 50 tuổi, trước đây ủng hộ Thỏa thuận Xanh mới, một giải pháp do các nghị sĩ Dân chủ bảo trợ nhằm kêu gọi tới năm 2030 giảm lượng khí thải xuống mức bằng 0.
Vấn đề biến đổi khí hậu đang nóng lên tại chính trường Mỹ trong bối cảnh sắp diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020. Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa đã tuyên bố rút Mỹ khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris được gần 200 nước trên thế giới ký năm 2015 nhằm hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu.