Những mỏ đất, mỏ đá tại Đồng Nai đã hoàn thành thủ tục cải tạo, phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ có tổng diện tích trên 120ha. Sau khai thác, những mỏ này để lại những hố sâu từ 60 – 80m và nhiều năm qua đi vẫn bỏ hoang, trở thành hồ chứa nước mưa mang theo mối nguy hiểm cho người dân sinh sống xung quanh khu vực mỏ đá và trở thành “hiểm họa” môi trường khi trở thành bãi rác thải công nghiệp nguy hại trái phép nằm ngay trong thành phố Biên Hòa.
Vấn đề “hậu” khai thác khoáng sản vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để biến những vực sâu thành những dự án, công trình có ích.
“Hiểm họa” với con người và môi trường
Đến nay, Đồng Nai có đã có 13 mỏ khai thác đá, đất đã đóng cửa, thực hiện các biện pháp phục hồi môi trường, nhưng không ít trong số đó vẫn mang “hiểm họa” tới cho cuộc sống người dân. Những “hiểm họa” này khiến người dân rất bức xúc.
Anh Lê Văn Dũng, ngụ ấp Cầu Hang, xã Hóa An, TP.Biên Hòa, Đồng Nai là người gắn bó với cuộc sống của người dân vùng mỏ đá Hóa An từ khi mỏ đi vào khai thác đến khi đóng cửa mỏ. “Hàng chục năm qua, người dân chúng tôi rất bức xúc vì lúc mỏ đá còn hoạt động thì hằng ngày chúng tôi bị tra tấn bởi tiếng ồn, bụi đá, tiếng xe ben chạy, đường sá xuống cấp… Tưởng chừng khi ngừng khai thác thì cuộc sống được yên ổn, nhưng chúng tôi lại bị ô nhiễm từ mỏ mang theo mùi hôi của hóa chất do bị đổ rác trộm” – anh Dũng bức xúc.
Anh Dũng còn rất lo lắng vì khu vực mỏ đá Hóa An chỉ được rào chắn sơ sài, thậm chí một số đoạn không có rào chắn rất nguy hiểm nếu trẻ em chẳng may vui chơi ở gần khu vực đó. Năm 2014 từng xảy ra vụ việc 2 trẻ bị tử vong do đuối nước khi tắm tại đây. Bà Mai Thị Liên, cũng ngụ tại ấp Cầu Hang, xã Hóa An cùng tâm trạng: “Vào mùa mưa, mỏ đá ngập sâu thăm thẳm, từ 30m – 60m. Tôi phải liên tục nhắc nhở con cháu trong nhà không ra đó, vì lỡ chân rơi xuống là mất mạng”.
Theo quy định, các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản buộc phải ký Quỹ Bảo vệ môi trường. Số tiền trên khi doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các biện pháp phục hồi môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường thì sẽ được hoàn lại. Tuy nhiên, thực tế PV khảo sát tại các mỏ đã đóng cửa không được hoàn thổ, qua nhiều năm đã có hiện tượng sạt lở, nhiều cây xanh trồng trên bờ hố bị gãy đổ, hàng rào nhiều đoạn cũng hư hỏng khiến đường và vực sâu giáp nhau rất nguy hiểm.
Ngoài nguy hiểm rình rập người dân qua lại thì các mỏ bỏ hoang này còn là nơi cho các đối tượng đổ trộm rác thải công nghiệp, sinh hoạt. Chẳng hạn như mỏ đá Hóa An đang trở thành nơi để các Cty ở Bình Dương qua đổ trộm rác thải. Các loại rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại, như: Thùng phuy, chai lọ chứa hóa chất, đế caosu, da giày có lẫn hóa chất… bị đốt cháy khét lẹt. Gặp thời tiết mưa lớn, những rác thải này nổi lềnh bềnh trên mặt nước.
Người dân khu vực mỏ đá Hóa An, cho biết: “Nhiều năm nay, cứ vào chiều tối và đêm là xuất hiện xe chở rác vào khu mỏ đổ rồi đốt. Dù cách xa khu đổ rác cả 1km, nhưng mùi rác cháy có lẫn hóa chất vẫn bốc lên nồng nặc, đóng kín các cửa vẫn không tránh khỏi mùi hôi xây xẩm mặt mày”.
Nhà đầu tư không mặn mà, mỏ đất, mỏ đá bỏ hoang
Theo Sở TNMT tỉnh Đồng Nai, những năm gần đây, để bảo vệ môi trường, tỉnh đã cắm mốc những khu vực hạn chế khai thác khoáng sản, buộc các chủ mỏ phải lắp đặt hệ thống phun sương tự động khu xay đá, hố thu nước và đường bêtông kết nối trong khu vực chế biến ra tuyến đường chung. Tuy nhiên, vấn đề “hậu” khai thác khoáng sản vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để biến những vực sâu thành những dự án, công trình có ích. Vì vậy, hàng trăm hécta vẫn đang bỏ hoang khiến chính quyền địa phương, người dân trong vùng lo lắng.
Tại khu mỏ đá Hóa An hiện đã được UBND tỉnh giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh quản lý, nhưng vẫn chưa có hướng khai thác cho phù hợp. Ông Nguyễn An Minh – Trưởng phòng Quản lý và sử dụng đất, Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai – chia sẻ: Chúng tôi đã tăng cường quản lý, không cho xe tải vào đổ rác trộm, nhưng các đối tượng lại đổ ngoài đất của dân trên địa bàn xã mà xã quản lý rất kém, chúng tôi phối hợp với xã làm việc phối hợp CA TP.Biên Hòa bắt được 2 vụ nhưng cũng thả ra.
“Cái khó của chúng tôi là mặc dù tuần tra liên tục, nhưng lần nào tiến hành tuần tra chúng tôi cũng đều bị các đối tượng biết trước, đến khi chúng tôi ra về thì lại nghe báo tin là các đối tượng lại đổ trộm rác thải trở lại” – ông Minh cho biết.
Các doanh nghiệp từng có ý định đầu tư du lịch ở khu vực mỏ đá xã Hóa An, Tân Hạnh cho biết, do địa hình sau khai thác đá tạo thành những hố quá sâu, vách đá thẳng đứng khó cải tạo thành khu du lịch. Nếu cố gắng đầu tư, chi phí sẽ rất lớn và điểm đáng ngại nhất là khách sợ nguy hiểm sẽ không đến vui chơi, giải trí.
Cũng theo ông Nguyễn An Minh: Trước đây mỏ đá được quy hoạch cây xanh, du lịch sinh thái, một số Cty đã đến tìm hiểu, có ý định đầu tư khu du lịch, nhưng khi nghiên cứu thực địa xong đều lặng lẽ rút lui. Các khu mỏ trên hiện nay vẫn tiếp tục bị bỏ hoang nằm chờ dự án.
Đồng Nai có 53 mỏ đang khai thác và mỏ đã đóng cửa, tổng diện tích gần 1.400ha. Các mỏ được cấp phép khai thác sâu từ 60 – 80m, tùy theo trữ lượng từng nơi. |