Voọc chân xám sinh sản thành công trong môi trường nuôi nhốt

Vừa qua, vườn thú Thảo cầm viên Sài Gòn (TCV) đã cứu hộ, nuôi dưỡng và lần đầu tiên cho sinh sản loài Voọc chân xám trong môi trường nuôi nhốt tại Việt Nam.

Đây là tín hiệu đáng mừng trong công tác bảo tồn các loài linh trưởng được xếp vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới đối với TCV nói riêng và Việt Nam nói chung.

Những cá thể Voọc được TCV tiếp nhận đều có điểm chung như: đến từ nhiều vùng miền khác nhau; bị lạc bầy; tổn thương thể xác hoặc bị các đối tượng xấu săn bắt. Ngay sau khi được phát hiện, các cá thể linh trưởng này ngay sau đó sẽ nhận được chăm sóc của người dân, lực lượng chức năng (kiểm lâm, công an môi trường…) rồi được vận chuyển khẩn cấp đến khu chăm sóc, bảo tồn của TCV để nuôi dưỡng.

Từ năm 2016 đến nay, TCV đã tiếp nhận 6 trường hợp cứu hộ Voọc chà vá. Tất cả các trường hợp động vật được chuyển đến với TCV đều rơi vào tình trạng sức khoẻ không được tốt và đều nằm ngoài khu vực của TPHCM.

Với những sự nỗ lực của ban lãnh đạo cũng như tập thể chuyên gia, đội ngũ bác sĩ, công nhân nên công tác nuôi dưỡng và bảo tồn đã đạt được những thành công.

Đại diện TCV SG tiếp nhận các cá thế Voọc gặp nạn từ lực lượng kiểm lâm

Trong 6 ca tiếp nhận chăm sóc Voọc chà vá, bộ phận chuyên môn của TCV đã nuôi sống và duy trì đến sức khoẻ bình thường là 5 ca. Liên tiếp trong 2 tháng đầu năm 2017 TCV tổ chức thực hiện cứu hộ 2 cá thể Voọc chà vá chân xám trưởng thành tại 2 tỉnh Phú Yên và Gia Lai.

Tại Phú Yên, vào ngày 27-2-2017, lực lượng cứu hộ của TCV đã tiếp nhận cá thể Voọc chà vá chân xám cái từ hạt kiểm lâm TP. Tuy Hòa. Đáng tiếc, Voọc con đã chết trước khi lực lượng cứu hộ kịp tiếp cận. Voọc mẹ trong trạng thái không ổn định về thể trạng và tinh thần.

Ngay sau khi đưa cá thể Voọc mẹ về lại TP.HCM, mọi phương pháp chăm sóc tốt nhất đã được các chuyên gia, bác sĩ áp dụng với cá thể Voọc mẹ này. Và như một phép màu, “bà mẹ” Voọc xám yếu ớt năm nào đã nhanh chóng hồi phục sức khoẻ, tỏ ra thích nghi với môi trường sống.

Niềm vui như càng nhân lên khi vào tháng 3-2019, “bà mẹ” này đã hạ sinh cho vườn thú một cá thể con khoẻ mạnh. Tin vui này được các vườn thú, khu bảo tồn sinh vật trong và ngoài nước đánh giá cao bởi rất hiếm có trường hợp Voọc chân xám được chăm sóc trong môi trường nuôi nhốt mà có thể cho sinh đẻ thành công.

Để đánh dấu cho sự kiện đặc biệt này, lãnh đạo TCV Sài Gòn đã lên kế hoạch, tổ chức hội thảo Chung tay bảo tồn nhân giống Voọc Việt Nam với sự tham dự của nhiều chuyên gia bảo tồn học có uy tín tại Việt Nam và đại diện của Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Chư Mom Ray, tỉnh Kon Tum.

Tại buổi hội thảo, nhiều chuyên gia đã cho rằng, thành công trong công tác bảo tồn loài linh trưởng quý hiếm này đến từ việc TCV sẵn sàng dành chi phí, nhân lực cho công tác cứu hộ, đầu tư chuồng trại. Quy hoạch khu cứu hộ linh trưởng và nhân giống tại H.Củ Chi (TPHCM).

Bên cạnh đó, sự phối hợp thường xuyên và có tính thống nhất giữa vườn thú cùng các các vườn quốc gia, đơn vị khoa học nhằm nghiên cứu nhân giống, thực hiện tái thả và phương pháp quản lý sau tái thả.

Tuy vậy, nhiều mặt hạn chế trong công tác nuôi dưỡng, bảo tồn và phát triển nguồn thú quý hiếm tại TCV cũng như nhiều khu bảo tồn sinh vật khác tại Việt Nam cũng đã được chỉ ra tại cuộc hội thảo như: khoảng cách địa lý giữa các đơn vị khá xa; trang thiết bị mang theo có giới hạn; cơ sở vật chất tại đơn vị vẫn còn thiếu, không chuyên biệt (do phải thực hiện chức năng cứu hộ nhiều loài) và nguồn thức ăn quen thuộc ngoài tự nhiên khó kiếm.Ông Phạm Văn Tân, Giám đốc Thảo cầm viên Sài Gòn chia sẻ: “Thực hiện “Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030” của Thủ tướng Chính phủ ban hành vào 10-05-2017, chúng tôi hy vọng rằng với những cố gắng của mình, TCV Sài Gòn sẽ ngày càng hoàn thành tốt các chức năng – nhiệm vụ được giao và ngày càng phối hợp tốt hơn với các cơ quan chức năng như kiểm lâm, cảnh sát môi trường các tỉnh thành cũng như các vườn thú bạn để bảo tồn các loài động vật quí hiếm của Việt Nam”.

Đại diện Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và PTSV Vườn quốc gia Chư Mom Ray, ông Trần Quốc Tuấn cho biết, trong thời gian qua chúng tôi đã thường xuyên phối kết hợp với vườn thú TCV bằng nhiều hình thức để chẩn đoán và điều trị bệnh cho một số loài động vật hoang dã như: Tê tê, Voọc, Vượn, và một số loài rùa.

“Có trường hợp cá thể Voọc tình trạng sức khỏe quá yếu, chúng tôi đã kịp thời phối kết hợp và chuyển giao cho TCV Sài gòn chăm sóc và cứu hộ thành công. Giữa hai đơn vị cũng đã tổ chức tham quan học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và thực hành chăm sóc cứu hộ cho 02 nhân viên của Trung tâm Cứu hộ VQG Chư Mom Ray” – ông Tuấn tâm sự