Tại Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước về thương mại quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã lần thứ 18 được tổ chức tại Geneva (Thuỵ Sỹ), Việt Nam đã đề xuất nâng cấp phụ lục với nhiều loài đặc hữu, nguy cấp phân bố tại Việt Nam.
Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước về thương mại quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã lần thứ 18 được tổ chức tại Geneva từ ngày 16-28.8.2019 với sự tham dự của 167 quốc gia thành viên. Hội nghị lần này xem xét, thảo luận, quyết định 107 chương trình nghị sự nhằm tăng cường bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã trên thế giới.
Tại Hội nghị lần này, Việt Nam đã đề xuất đưa ba loài rùa đặc hữu, nguy cấp phân bố tại Việt Nam từ Phụ lục II lên Phụ lục I gồm: Rùa hộp Việt Nam (tên khoa học là Coura picturata), Rùa Trung Bộ (tên khoa học là Mauremys annamensis), và Rùa hộp buarê (tên khoa học là Coura bourreti).
Tất cả các đề xuất của Việt Nam đều nhận được đồng thuận cao từ tất cả các nước thành viên.
Ba loài này có tên trong Danh mục đỏ của IUCN 2018 ở mức cực kỳ nguy cấp (CR). Rùa hộp việt nam và rùa trung bộ chỉ phân bố tại Việt Nam, trong khi rùa buarê có phân bố ở Việt Nam và miền trung Lào.
Mối đe doạ chính đến cả ba loài này là nạn săn bắt trộm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường buôn bán quốc tế các loài sinh vật cảnh, làm thực phẩm và môi trường sống bị suy giảm.
Bên cạnh đó Việt Nam cũng phối hợp với Liên minh Châu Âu và Trung quốc đưa 13 loài thạch sùng mí thuộc giống Goniurosaura phân bố chủ yếu tại Việt Nam và Trung Quốc, trong đó có ba loài đặc hữu tại Việt Nam là Thạch sùng mí Cát Bà (Goniurosaura catbanensis), Thạch sùng mí Hữu liên (Goniurosaura huulienensis) và Thạch sùng mí lichtenfer (Goniurosaura lichtenfelderi ) vào Phụ lục II CITES. Đề xuất được các nước thành viên đồng thuận cao mà không cần tiến hành bỏ phiếu. Theo Danh lục đỏ của IUCN các loài này này đều nằm ở các nhóm nguy cấp (EN) hoặc sắp nguy cấp (VU).
13 loài cá cóc châu Á giống Paramesotriton phân bố chủ yếu tại Việt Nam và Trung Quốc bao gồm một loài cá cóc nổi tiếng tìm thấy lần đầu tại vườn quốc gia Tam Đảo- Cá cóc Tam đảo (Paramesotriton deloustali) cũng đã đạt được sự ủng hộ tuyệt đối của tất cả các nước thành viên và đã chính thức có tên trong phụ lục II.
25 loài Cá cóc sần cũng đã được bổ sung vào phụ lục II. Những loài này phân bố chủ yếu ở Đông Nam Á và Trung Quốc, trong đó có một loài cá cóc sần việt nam (Tylototriton vietnamensis) là loài đặc hữu tại Việt Nam. Mối đe doạ chính đối với cá cóc sần là nhu cầu thị trường tại các nước thuộc liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và Trung Quốc tăng cao làm sinh vật cảnh cũng như sinh cảnh bị suy giảm.
Đại diện phái đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị chia sẻ: Việt Nam đánh giá cao sự ủng hộ của các nước thành viên đã có những quyết định đúng đắn góp phần giúp Việt Nam trong bảo vệ các loài bò sát, lưỡng cư, đặc biệt các đặc hữu nhằm ngăn chặn các hoạt động buôn bán trái pháp luật các loài này trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó Việt Nam mong muốn cộng đồng quốc tế tiếp phối hợp, ủng hộ nỗ lực của Việt Nam trong kiểm soát buôn bán quốc tế các mẫu vật động vật hoang dã nguy cấp khác theo quy định của CITES.”
Việc đưa các loài trên vào Phụ lục CITES nhằm đồng bộ hoá pháp luật trong nước và Luật pháp quốc tế. Các loài trên đã được Chính phủ đưa vào Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10.3.2019.