Trong bối cảnh rừng Amazon đang phải “gồng mình” với thảm họa cháy rừng tồi tệ nhất, các doanh nghiệp Na Uy tại Brazil đã cam kết nỗ lực giảm thiểu nạn chặt phá rừng và bảo vệ môi trường.
Ngày 27/8, Na Uy đã kêu gọi các công ty nước này hoạt động tại Brazil đảm bảo không tiến hành các hoạt động tàn phá rừng nhiệt đới Amazon, trong bối cảnh “lá phổi” của hành tinh đang phải “gồng mình” với thảm họa cháy rừng tồi tệ nhất trong nhiều năm qua.
Bộ trưởng Môi trường Na Uy Ola Elvestuen đã gặp gỡ đại diện từ công ty dầu khí Equinor, công ty sản xuất phân bón Yara và công ty sản xuất nhôm Norsk Hydro, để thảo luận về tình hình cháy rừng tại Amazon. Cuộc họp còn có sự tham dự của đại diện quỹ hưu trí KLP và các tổ chức môi trường phi chính phủ.
Trao đổi với báo giới sau cuộc gặp, Bộ trưởng Elvestuen cho rằng những công ty này phải nắm rõ về các chuỗi cung ứng và đảm bảo không có hành động tiếp tay cho vấn nạn chặt phá rừng.
Công ty dầu khí Equitor nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng Amazon, đồng thời khẳng định chuỗi cung ứng của họ không gây ra những tác động tiêu cực đối với khu rừng này.
Trong khi đó, Norsk Hydro, công ty sở hữu một khu mỏ bauxite và một nhà máy chế biến quặng bauxite thành nhôm ở bang Para (miền Bắc Brazil), cho biết đang nỗ lực giảm thiểu những hoạt động gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới khí hậu thông qua những nỗ lực giảm nạn chặt phá rừng. Người phát ngôn Norsk Hydro khẳng định mỏ bauxite tại Para luôn tôn trọng các quy định về môi trường.
Đại diện của Yara, công ty sản xuất phân bón và cung cấp các sản phẩm nông nghiệp cho nông dân Brazil, cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon. Công ty khẳng định đây là ưu tiên hàng đầu và luôn nỗ lực hết sức đảm bảo các chuỗi cung ứng tuân thủ các quy định môi trường.
Tình hình cháy rừng nghiêm trọng tại rừng rậm Amazon đang thu hút sự quan tâm lớn của nhiều nước trên thế giới. Cũng trong ngày 27/8, Tổng thống Peru Martin Vizcarra và người đồng cấp Colombia Ivan Duque đã cam kết hợp tác nhằm bảo vệ rừng Amazon.
Trong cuộc họp nội các giữa hai nước tại thành phố Pucallpa ở miền Đông Peru, các quan chức hai nước đã ký kết một tuyên bố chung kêu gọi bảo vệ rừng Amazon trước những hành vi gây ô nhiễm và hoạt động thương mại trái phép.
Phát biểu sau khi ký văn kiện này, Tổng thống Vizcarra nhấn mạnh việc chăm sóc và bảo tồn rừng Amazon “cần được thực hiện thường xuyên”, đồng thời kêu gọi các nước cần mạnh tay trong cuộc chiến chống lâm tặc, khai thác gỗ và khoáng sản trái phép cũng như các hoạt động đốt rừng bừa bãi để có đất canh tác, chăn thả gia súc hay thậm chí là trồng cây thuốc phiện.
Theo Cơ quan Nghiên cứu không gian Brazil, tính từ đầu năm tới ngày 25/8, số vụ cháy rừng tại khu vực rừng Amazon ở Brazil đã tăng 79%. Các số liệu mới nhất cho thấy tổng công có hơn 82.000 đám cháy đang bùng phát tại khu vực này dù có sự hỗ trợ dập lửa từ quân đội.
Trước tình hình này, Giám đốc điều hành Tổ chức Gỗ nhiệt đới quốc tế Gerhard Dieterle kêu gọi thế giới nỗ lực nhiều hơn nữa để cứu những loài động-thực vật đang bị đe dọa. Ông Dieterle cảnh báo nếu không nhanh chóng khoanh vùng khu vực cháy rừng, sự toàn vẹn của rừng Amazon sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.
Chuyên gia này cảnh báo sẽ mất rất nhiều năm để các khu rừng rậm nhiệt đới có thể phục hồi sau các vụ cháy rừng và điều này sẽ làm thay đổi khí hậu địa phương, khí hậu của một nước và thậm chí là cả khu vực cũng như trên toàn cầu.
Rừng mưa Amazon bao phủ trên diện tích rộng khoảng 5,5 triệu km2 ở khu vực Nam Mỹ. 60% diện tích rừng Amazon thuộc lãnh thổ Brazil. Đây là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới và có vai trò sống còn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ năng lực hấp thu lượng lớn khí thải CO2.
Được xem là “lá phổi” của hành tinh, Amazon cung cấp khoảng 20% lượng khí oxy trên Trái Đất. Các nhà khoa học cũng như các tổ chức bảo vệ môi trường lo ngại rằng các vụ cháy rừng Amazon sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng về biến đổi khí hậu hiện nay và đe dọa đến đa dạng sinh học.