Nhà máy đốt rác phát điện Vietstar hoạt động với dây chuyền vận hành khép kín nhập từ nước ngoài do công ty đầu tư với kinh phí khoảng 400 triệu USD.
Ngày 28/8, tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố phối hợp với Công ty cổ phần Vietstar tổ chức khởi công xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Vietstar.
Thông tin về nhà máy, ông Ngô Như Hùng Việt, Tổng Giám đốc Công ty Vietstar, cho biết Nhà máy đốt rác phát điện Vietstar hoạt động với dây chuyền vận hành khép kín nhập từ nước ngoài do công ty đầu tư với kinh phí khoảng 400 triệu USD, dự kiến hoàn thành trong năm 2020, công suất giai đoạn 1 là 2.000 tấn/ngày, giai đoạn 2 là 4.000 tấn/ngày, xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện đảm bảo vấn đề môi trường.
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh – cho biết để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của thành phố, trong đó có việc ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong xử lý rác thải, Thành phố yêu cầu các nhà máy chuyển đổi sang công nghệ đốt rác phát điện.
Công ty Vietstar là đơn vị tiên phong trong việc chuyển đổi công nghệ khi xây dựng nhà máy đốt rác phát điện.
Các công ty xử lý rác thải cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải nhằm đảm bảo mục tiêu đến năm 2020, 50% rác thải sinh hoạt của thành phố được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện.
Hiện mỗi ngày Thành phố Hồ Chí Minh xử lý khoảng trên 9.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó 72% được xử lý theo phương pháp chôn lấp, số còn lại được xử lý bằng phương pháp đốt không thu hồi năng lượng, sản xuất phân bón và tái chế.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy nhanh giải quyết các thủ tục pháp lý cho nhà máy của các công ty Vietstar, Tâm Sinh Nghĩa, TASCO áp dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý rác thải sinh hoạt.
Dự kiến trong tháng 10/2019 sẽ tiếp tục khởi công xây dựng hai nhà máy đốt rác phát điện với công suất mỗi nhà máy là 2.000 tấn/ngày tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc.