Mùa trồng rừng năm 2019 sắp kết thúc, thế nhưng toàn tỉnh Điện Biên chưa trồng được héc – ta rừng phòng hộ nào. Câu chuyện trồng rừng không hoàn thành chỉ tiêu giao dường như đã quá quen thuộc, năm nay, Điện Biên lại “vỡ” kế hoạch trồng rừng.
Trong tổng diện tích 416.163ha đã quy hoạch rừng phòng hộ, tỉnh Điện Biên hiện còn 189.905ha (chiếm 45,63%) là đất chưa có rừng. Bởi vậy mục tiêu nâng tỷ lệ che phủ trên diện tích rừng phòng hộ nói riêng và nâng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói chung là vô cùng quan trọng, cần thiết để Điện Biên hoàn thành chỉ tiêu phủ xanh đất trống đồi núi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo Quyết định số 1168/QÐ-UBND, ngày 10/12/2018, toàn tỉnh Điện Biên được giao trồng mới 120ha rừng phòng hộ. Trong đó: huyện Ðiện Biên 10ha, Tuần Giáo 50ha, Mường Chà 30ha và Mường Ảng 30ha. Đến nay, các huyện được giao chỉ tiêu trồng rừng phòng hộ mới tổ chức khảo sát, đo đạc thiết kế được 60/120ha (trong đó: huyện Ðiện Biên 10ha, Tuần Giáo 20ha và Mường Ảng 30ha).
Lý giải sự chậm trễ này, bà Mai Hương, Chi cục phó Chi cục Lâm nghiệp (Sở NN&PTNT Điện Biên) cho biết: Nguyên nhân cơ bản là do chưa được phân bổ vốn nên các địa phương chưa có cơ sở để thực hiện. Cùng với đó, bà Mai Hương cũng thừa nhận tình trạng thiếu vốn, chậm phân bổ vốn là tình trạng diễn ra nhiều năm nay đã ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch trồng rừng của Điện Biên.
Năm 2018, chỉ tiêu giao là trồng 400ha rừng phòng hộ, cố gắng lắm các huyện mới trồng được 67% kế hoạch giao. Trong đó, 131,8ha đã được nghiệm thu đủ điều kiện thanh toán vậy mà đến tận bây giờ Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) các huyện vẫn chưa được cấp kinh phí để thanh toán cho người trồng rừng. Điều này, khiến Ban QLRPH các huyện trở thành “con nợ” với người trồng rừng ở địa phương.
Ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc Ban QLRPH huyện Tuần Giáo, cho biết: Huyện đã trồng vượt chỉ tiêu hơn 3,1ha so với chỉ tiêu giao trồng 70ha rừng phòng hộ trong năm 2018, nhưng đến nay, Ban vẫn chưa được bố trí vốn để thanh toán cho bà con. Tổng số tiền nợ người trồng rừng năm 2018 gần hai tỷ đồng chưa biết đến khi nào mới có để chi trả. Năm 2019, chúng tôi được giao chỉ tiêu trồng 50ha rừng phòng hộ, song việc triển khai rất vướng mắc, khó thành.
Năm 2018, huyện Điện Biên chỉ trồng được 27,66/50ha chỉ tiêu giao trồng rừng phòng hộ, tổng kinh phí thực hiện trên 778 triệu đồng. Vì chưa có nguồn thanh toán công trồng rừng năm trước cho nhân dân nên năm nay dù rất nỗ lực thì huyện vẫn chưa thể trồng được rừng, mọi việc mới dừng ở công đoạn khảo sát, đo đạc, thiết kế.
Chung thực trạng, Ban QLRPH huyện Mường Chà hiện đang nợ người dân gần một tỷ đồng tiền công trồng 30ha rừng phòng hộ năm 2018. Bởi vậy, năm nay dù được giao chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng phòng hộ ngay đầu năm nhưng đến thời điểm này Ban QLRPH huyện mới cơ bản triển khai công tác tuyên truyền, vận động, rà soát các diện tích có thể đưa vào trồng rừng phòng hộ.
Không chỉ cán bộ Ban QLRPH các huyện mệt mỏi vì chờ cấp vốn mà ngay bản thân những người đã tham gia trồng rừng phòng hộ cũng thấy nản, giảm sút niềm tin với dự án trồng rừng trên địa bàn.
Ông Lò Văn Piến, Trưởng bản Tin Tốc xã Mường Tùng (huyện Mường Chà), cho biết: 100% diện tích (21,35ha) rừng dân bản trồng đều được nghiệm thu, đủ điều kiện thanh toán. Thế nhưng, hơn một năm chờ đợi bản tôi chẳng ai được nhận tiền trồng rừng. Vài lần chúng tôi kiến nghị ra xã, tìm gặp cán bộ Ban QLRPH huyện để hỏi thì chỉ được các đồng chí trả lời là chờ thêm thời gian nữa, chờ tỉnh cấp vốn huyện sẽ chi trả ngay thế nhưng chờ cả một năm vẫn chưa được nghe thông báo gì…!
Khi được hỏi vì sao lại không được cấp kinh phí trồng rừng năm 2018 và 2019 thì bà Mai Hương cho biết: Không biết lý do gì trong khi nguồn giao trung hạn giai đoạn 2016-2020 chương trình mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng của Điện Biên còn khoảng 10 tỷ đồng chưa được cấp. Không có nguồn, công tác triển khai, thực hiện trồng rừng phòng hộ của Điện Biên thực sự rất khó khăn.
Được biết, không phải chỉ một, hai, hay ba năm mà nhiều năm liền trước đó tỉnh Điện Biên cũng không hoàn thành kế hoạch trồng rừng. Giai đoạn 2011-2015, Điện Biên xây dựng chỉ tiêu trồng mới hơn 2.000ha rừng phòng hộ, song thực tế trồng chỉ được 694ha (đạt 34% kế hoạch đề ra). Những năm tiếp theo, “điệp khúc” không đạt chỉ tiêu trồng rừng vẫn tiếp diễn.
Để tháo gỡ khó khăn này, Sở NN-PTNT tỉnh Điện Biên đã có Văn bản số 1440/SNN-LN gửi UBND tỉnh Điện Biên với đề nghị tổ chức cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong bố trí vốn thực hiện một số chỉ tiêu về lâm nghiệp năm 2019. Theo đó, nêu rõ khó khăn của ngành nông nghiệp và các địa phương, đơn vị đã tham gia trồng rừng phòng hộ năm 2018 là: Chưa được bố trí vốn để thanh quyết toán, trả tiền công cho các hộ dân trồng rừng và điều này có thể gây mất lòng tin của nhân dân tại các nơi đã trồng rừng năm 2019 đồng thời gây khó khăn cho công tác tuyên truyền quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Thiết nghĩ, với khó khăn hiện tại trong công tác trồng rừng phòng hộ, UBND tỉnh Điện Biên cần vào cuộc, chỉ đạo các sở, ngành chung sức tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn thay vì chỉ giao kế hoạch rồi để ngành nông nghiệp mãi loay hoay vì không được cấp vốn. Khi nào Điện Biên mới trồng được rừng? Khi nào các Ban QLRPH mới trả hết nợ? Thực tế cho thấy, “bài toán” trồng rừng phòng hộ của tỉnh Điện Biên đến vẫn chưa có lời giải.