Dù là tỉnh có tiềm năng khá lớn về năng lượng tái tạo – năng lượng “sạch”, thế nhưng cho đến thời điểm hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn chưa có một dự án năng lượng tái tạo nào được triển khai thực hiện. Trong khi đó, tỉnh này có hàng chục dự án thủy điện đang gây ra rất nhiều hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân địa phương.
“Bội thực” dự án thủy điện
Được biết, trước đây, theo quy hoạch được Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt, Nghệ An có 54 dự án thủy điện với tổng công suất gần 1.700 MW, trong đó có 8 dự án quy hoạch tiềm năng và 1 dự án thủy điện Bản Cánh được xây dựng từ trước khi tiến hành quy hoạch. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, UBND tỉnh Nghệ An và Bộ Công Thương đã đưa ra khỏi quy hoạch 22 dự án thủy điện với các lý do như chưa phù hợp, chưa hiệu quả; không có tính khả thi; triển khai chậm; gây ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái.
Vì thế, hiện cả tỉnh còn 32 dự án với công suất 1.360,95 MW. Trong số đó, đã có 18 nhà máy đi vào phát điện với tổng công suất 892,9 MW, 1 dự án đang làm thủ tục tích nước, chạy thử, phát điện thương mại; 6 dự án đang triển khai thi công xây dựng; 3 dự án đang làm thủ tục đầu tư xây dựng.
Cả 32 dự án thủy điện đều tập trung tại 5 huyện miền núi. Chỉ riêng huyện miền núi Quế Phong có 11 dự án (07 dự án đang xây dựng), Kỳ Sơn có 8 dự án, Tương Dương có 6 dự án, Con Cuông và Quỳ Châu mỗi huyện 02 dự án. Đặc biệt, trên 1km dòng sông Nậm Mộ, đoạn qua xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn (một hợp lưu lớn của sông Lam) có đến 3 dự án đã đi vào hoạt động và 1 dự án chủ đầu tư đang khảo sát xin cấp phép đầu tư – một con số quá…“khủng khiếp”. Đó là các nhà máy thủy điện Nậm Cắn, thủy điện Nậm Mô và thủy điện Bản Cánh với tổng công suất 38MW.
Việc một con sông có lưu lượng dòng chảy trung bình như sông Nậm Mộ nhưng “gánh” hàng loạt dự án thủy điện như trên khiến cho con sông lúc nào cũng ở trong tình trạng “đói” nước. Đứng trên cao nhìn những cồn cát, đá sỏi chiếm lĩnh toàn dòng sông trước đây vốn hiền hòa, xanh biếc khiến cho ai từng chứng kiến cảnh này không khỏi cảm thấy xót xa, tiếc nuối.
Dọc tuyến sông Lam, đoạn thượng nguồn bắt đầu từ các con suối bị chặn bởi chi chít thủy điện lớn nhỏ. Cụ thể, đoạn qua địa phận huyện Tương Dương có 4 nhà máy thủy điện, bao gồm: Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ, công suất 320MW; Nhà máy Thủy điện Khe Bố, công suất 100MW; Nhà máy thủy điện Nậm Nơn ở xã Lượng Minh công suất 20MW; Nhà máy thủy điện Bản Ang, ở xã Xá Lượng với công suất 17MW.
Quá trình xây dựng, vận hành các công trình thủy điện trên địa bàn đã gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt, sản xuất của người dân, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, gia tăng tác hại của hạn hán, lũ lụt. Bởi xây dựng nhà máy thủy điện đi cùng với việc xây dựng các hồ đập để tích nước, dẫn đến mất rừng, mất đất sản xuất; phù sa bị giữ lại tại lòng hồ tạo nên “dòng nước trong” đổ về hạ lưu, là tác nhân gây ra xói lở lòng sông, bờ sông. Vào mùa khô, thuỷ điện tích nước dẫn đến lưu lượng nước ở các sông, suối thấp, người dân vùng hạ lưu thiếu nước sinh hoạt, sản xuất; ngược lại, mùa mưa thì xả lũ gây ra tình trạng ngập lụt, sạt lở.
Đơn cử như ngày 6/5/2016, mực nước tại hồ tích nước Nhà máy thủy điện Chi Khê (xã Chi Khê, huyện Con Cuông) bỗng dưng dâng lên bất thường khiến trên 8,6 ha lúa, hoa màu tại xã Cam Lâm bị thiệt hại, một cụ bà bị chết đuối. Người dân huyện Con Cuông cho rằng, việc Nhà máy thủy điện Chi khê tích nước không thông báo đã gây thiệt hại lớn cho người dân do không biết để có sự chuẩn bị. Hay như tháng 8/2011, Nhà máy thủy điện Bản Vẽ cũng tích nước đột ngột khiến nhiều hộ dân ở bản Xốp Cháo, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương bị ngập sâu trong nước nhiều ngày. Trong khi đó, nguồn nước ở hạ du lại bị cạn trơ đáy do thủy điện đã… “uống” hết.
Hay mới đây nhất, cuối tháng 5/2019, thủy điện Nạm Nơn xả nước phát điện nhưng không thông báo nên đã khiến cho anh Vi Văn May, ở xã Xá Lượng bị lật thuyền chết đuối khi đang cùng em trai đánh cá phía hạ lưu. Vụ việc nêu trên cơ quan thực thi pháp luật đã phải vào cuộc. Theo đó, tháng 7/2019, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tương Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính”, đến tháng 8/2019, Công an huyện Tương Dương ra các quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Anh và Trần Quyết Tiến (là 2 công nhân trực vận hành máy Nhà máy thủy điện Nậm Nơn) về hành vi “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính”.
Vắng dự án năng lượng “sạch”
Được biết, ngày 21/8/2019, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức buổi làm việc với nhóm các nhà tư vấn và nhà đầu tư về việc đề xuất nghiên cứu, lập “Quy hoạch nguồn năng lượng tái tạo của tỉnh Nghệ An”.
Theo báo cáo khảo sát sơ bộ từ các địa phương về quỹ đất và một số đề xuất của Nhà đầu tư về phát triển năng lượng mặt trời, tỉnh Nghệ An dự kiến có khoảng 1.600ha diện tích có tiềm năng khai thác đầu tư năng lượng mặt trời tương đương với quy mô công suất 1.300MWp. Quỹ đất này tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghĩa Đàn, TX Hoàng Mai, Nghi Lộc… Tuy nhiên, hiện nay, tại Nghệ An chưa có nhà máy điện mặt trời nào được duyệt vào quy hoạch phát triển điện lực.
Tại buổi làm việc này, ông Lê Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã giao Sở Công Thương làm đầu mối trực tiếp phối hợp với các ngành liên quan và kết nối với các nhà tư vấn, nhà đầu tư để rà soát lại quy hoạch tổng thể; lựa chọn các đơn vị tư vấn có uy tín, đã thực hiện các dự án thành công tại các tỉnh, thành trong cả nước; việc thực hiện quy hoạch phải đảm bảo đúng trình tự, đúng quy trình và phù hợp với Luật Quy hoạch. Sở Công Thương phối hợp với các nhà tư vấn nghiên cứu, xây dựng và sớm trình UBND tỉnh cho ý kiến để trình Bộ Công Thương thông qua quy hoạch để khi triển khai các dự án thì đấu nối vào hệ thống điện dễ dàng, thuận lợi. Phấn đấu đầu năm 2020, tỉnh trình được danh mục dự án thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Trước đó, giữa tháng 01/2018, đại diện Tập đoàn Centerlink Holdings (Hoa Kỳ) cũng đã về Nghệ An để làm việc với lãnh đạo tỉnh này về việc đầu tư xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời tại Nghệ An. Qua quá trình tìm hiểu và đi khảo sát thực địa, Tập đoàn Centerlink Holdings đã quyết định sẽ đầu tư xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời tại hồ Vực Mấu, TX Hoàng Mai. Tuy nhiên, không hiểu lý do vì sao sau đó dự án không được triển khai thực hiện.
Với tiềm năng khá lớn về năng lượng tái tạo – năng lượng “sạch” như số liệu đã được công bố, thế nhưng cho đến nay tỉnh Nghệ An vẫn chưa có dự án đầu tư nào liên quan đến lĩnh vực trên là một sự lãng phí lớn. Trong khi đó những gì đang diễn ra bởi ảnh hưởng của các dự án thủy điện những năm qua là điều các nhà hoạch định chiến lược tỉnh Nghệ An cần phải xem xét lại.