Phim ngắn ‘Những chiến binh nhí bảo vệ tê giác’ mang nhiều diễn biến bất ngờ, đó là hình ảnh một cậu bé đã vứt bỏ chiếc sừng tê giác của bố, để thay đổi suy nghĩ sai lầm của người lớn.
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) sáng 27/8, vừa ra mắt phim ngắn “Những chiến binh nhí bảo vệ tê giác” nhằm kêu gọi cộng đồng không tiêu thụ, sử dụng sừng tê giác.
Phim ngắn “Những chiến binh nhí bảo vệ tê giác” mang nhiều diễn biến bất ngờ, đó là hình ảnh một cậu bé đã vứt bỏ chiếc sừng tê giác của bố trong khi bố và những người bạn đang mải mê xem bóng đá.
Nhìn thấy chiếc sừng tê giác được bố mua để gây ấn tượng với bạn bè, cậu bé nhớ ngay đến cuốn sách đã đọc về tê giác và nạn săn bắn tê giác. Không thể thu hút được sự chú ý của người lớn để bày tỏ quan điểm, chàng chiến binh nhỏ tuổi đã quyết định phải hành động ngay để bảo vệ tê giác.
Chia sẻ về ý nghĩa của bộ phim, Phó Giám đốc ENV Nguyễn Phương Dung bày tỏ: “Sừng tê giác là một vật vô nghĩa nếu chúng không ở trên đầu của một cá thể tê giác còn sống. Hiện nay, tê giác vẫn đang bị giết hại để phục vụ nhu cầu đến từ sự thiếu hiểu biết của con người. Chính nhu cầu sử dụng sừng tê giác đã đẩy loài vật kỳ diệu này đến bờ vực của sự tuyệt chủng và làm gia tăng tội phạm.”
Theo đánh giá của ENV, Việt Nam được biết đến là quốc gia trung chuyển và tiêu thụ sừng tê giác lớn trên thế giới. Nguyên nhân là một nhóm nhỏ những người giàu có vẫn còn niềm tin sai lầm vào tác dụng chữa bệnh của sừng tê giác.
Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, sừng tê giác đã trở thành biểu tượng mà một số người ưa chuộng để “nâng tầm” đẳng cấp hoặc làm quà tặng xa xỉ. Chính nhận thức lệch lạc này đã dẫn đến nhu cầu ngày càng gia tăng với sừng tê giác tại Việt Nam.
Đáng chú ý là, sau khi cá thể tê giác Java trong tự nhiên cuối cùng ở Việt Nam bị giết hại để lấy sừng vào năm 2010, nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác tăng cao tại Việt Nam đã thúc đẩy nạn săn bắn tê giác ở châu Phi.
Tình trạng này cũng làm gia tăng hoạt động buôn bán trái phép sừng tê giác và mở đường cho hàng loạt mạng lưới tội phạm hoạt động, điển hình là đường dây của Nguyễn Mậu Chiến – “ông trùm” chuyên buôn lậu sừng tê giác và ngà voi từ châu Phi về Việt Nam.
Năm 2018, chỉ riêng ở Nam Phi, 769 cá thể tê giác bị giết hại – tương đương hơn 2 cá thể tê giác bị giết mỗi ngày. Theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), nếu như tình trạng săn bắt tiếp tục diễn ra với tốc độ hiện tại, tê giác sẽ tuyệt chủng vào năm 2026. Thực trạng nghiệt ngã này càng cho thấy tê giác đang trong tình trạng vô cùng nguy cấp.
“Số phận của những cá thể tê giác còn lại nằm trong tay mỗi chúng ta. Chúng ta cần loại bỏ những quan điểm sai lầm coi sừng tê giác như một thần dược hay biểu tượng của địa vị xã hội. Cùng với đó, cần huy động sự tham gia của cả cộng đồng nhằm cứu tê giác và cho chúng cơ hội phục hồi trong tự nhiên,” bà Dung kêu gọi cộng đồng cùng chung tay ngăn chặn nạn thảm sát tê giác vô nghĩa này.