Facebooker Hoàng Nguyên Vũ cho rằng thả 30.000 hoa đăng bằng nhựa xuống biển là hành động huỷ hoại môi trường, sai hoàn toàn với giáo lý nhà Phật.
Tối 10.8 vừa qua, tại đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng) diễn ra Đại lễ Vu Lan báo hiếu thu hút hàng ngàn người tham dự. 30.000 hoa đăng được thả xuống biển nhân dịp kỷ niệm 5 năm Đại lễ Vu Lan Cát Bà. Ngoài ra, Ban Trị sự Phật giáo huyện Cát Hải còn chuẩn bị 30.000 bông hồng cài áo đáp ứng nhu cầu của Phật tử, nhân dân và du khách thập phương.
Thả hoa đăng trên biển được xem hành động bày tỏ lòng biết ơn đến đấng sinh thành, tổ tiên và là phần quan trọng trong Lễ hội Vu lan báo hiếu. Theo quan niệm của nhiều người, mỗi một bông hoa đăng mang ý nghĩa to lớn, cảm xúc hoài tưởng, biết ơn từ những người con gửi đến đấng sinh thành, tổ tiên.
Thế nhưng, đằng sau vẻ đẹp lung linh ấy là gì? Đèn được thả trôi sông đa phần còn lại bã nến và xác đèn cháy dở, phần nến sẽ chìm xuống biển, phần xác đèn theo gió trôi dạt tấp vào bờ gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước, hủy hoại hệ sinh thái và mất mỹ quan đô thị.
Hình ảnh biển Cát Bà ngập ngụa rác sau Đại lễ Vu Lan tối 10.8 là minh chứng rõ nét.
Nhiều người dân phản ánh việc thả đèn hoa đăng khiến mặt biển ngập ngụa xác đèn, vỏ bao bì, gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
Thời gian qua, người ta thường dùng túi nhựa tráng kẽm, túi nilon để sản xuất đèn hoa đăng. Những chất liệu nay khó phân hủy và được xếp vào danh mục chất thải nguy hại.
Về chuyện trên, Facebooker Hoàng Nguyên Vũ bình luận: “30.000 ngọn hoa đăng bằng nhựa được thả xuống biển là hành động huỷ hoại môi trường, thế mà Giáo hội Phật giáo còn ca tụng như một thành tích chói lọi. 30.000 cái đèn ấy góp phần huỷ diệt môi sinh, sai hoàn toàn với giáo lý nhà Phật.
Sự u mê và bệnh thành tích đã đẩy con người bước vào tăm tối.
Thêm nữa, 30.000 bông hồng cài trên áo để làm gì chứ? Còn mẹ hay mất mẹ, hãy để những bông hồng tôn thờ hay tưởng kính trong tim, chứ lũ lượt đeo hoa trên ngực cho đủ quân số mà điểm danh, cho vá víu cái phong trào báo hiếu để làm gì vậy ạ?
Phật ở trong tiềm thức, mẹ ở trong tim, giản dị hồn hậu đi giữa đời mà tu tâm dưỡng tính, nghĩ cho đồng loại, hành xử vì nhân loại cũng là đỉnh cao tu tập rồi. Xin đừng màu mè hình thức!”.
Trả lời Dân Việt về chuyện biển ngập rác, ông Phạm Vĩnh Toàn – Phó giám đốc Ban quản lý các vịnh Cát Bà, đơn vị phối hợp thực hiện với ban tổ chức hỗ trợ về công tác dọn vệ sinh môi trường, cho biết: “Năm nào cũng vậy, mỗi khi tổ chức Đại lễ cầu siêu xong đơn vị phải đảm nhiệm công việc tháo dỡ, thu dọn vệ sinh toàn bộ những vật trong đêm lễ hội cầu siêu người dân thả xuống biển. Tất cả được tiến hành trục vớt hết lên bờ rồi chuyển về khu vực xử lý rác thải.
Năm nay, chương trình tổ chức hơi muộn, kéo dài tới gần 12 giờ đêm mới kết thúc nên việc triển khai thu dọn vệ sinh môi trường không được tiến hành ngay trong đêm.
“Ngay ngày hôm sau ban quản lý các vịnh đã bố trí tất cả lực lượng, phương tiện và nhân lực tiến hành thu dọn, trục vớt. Tính đến 6 giờ chiều ngày 11.8 đã thu dọn dứt điểm không còn bất cứ thứ gì trong ngày lễ vu lan còn sót lại, trả lại môi trường sạch sẽ, không còn hiện tượng như người dân phản ánh”, ông Phạm Vĩnh Toàn khẳng định.
Nhiều người cho rằng thay vì phải mất thời gian và công sức đi thu dọn, trục vớt xác đèn hoa đăng, vỏ bao bì thì tốt nhất đừng thả xuống biển.
Anh Hồng Quang bình luận: “Có rất nhiều cách để con cháu tỏ lòng thánh kính biết ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên vào Mùa lễ Vu Lan, không nhất thiết phải thả đèn hoa đăng hay đốt nhiều vàng mã“.
“Phật tại tâm, tu tại tâm. Hàng ngày nói lời hay, ý đẹp, cư xử đẹp với người xung quanh, gia đình thì đã là làm việc thiện, hướng theo Phật. Sự phô trương là không cần thiết. Cái gì không có mới phải đi khoe, đó là lẽ thường. Sống có lợi cho bản thân, sự phô trương của bản thân trong vài ngày nhưng lại gây hại cho sinh vật, môi trường khác là trái đạo lý nhà Phật“, chị Kim Anh viết.