Sự hồi hộp của sự khám phá thúc chúng ta lên đường nhưng đôi khi tính tò mò có thể giết chết con mèo – theo nghĩa đen.
Trong chợ bùa Akodessewa ở Lomé, thủ đô của Togo, du khách có thể thấy hàng đống bộ phận và da động vật, kể cả da báo hoặc những loài họ mèo khác. Mặc dù những thứ này không nhằm mục đích làm quà lưu niệm nhưng chợ hoạt động như một nguồn cung cấp cho những người sùng bái nghi lễ và bùa ngải.
Năm ngoái, một người đàn ông đã bị bắt tại sân bay quốc tế Los Angeles vì mang theo trong vali gần một trăm con chim ruồi đã chết – thường được bán như bùa yêu.
Du khách có thể đóng một phần quan trọng trong nỗ lực bảo tồn. Mặc dù có thể bạn biết mang động vật sống về nhà là một ý tưởng tồi nhưng vẫn sẽ rất dễ dàng gây nguy cơ gây hại cho động vật hoang dã mà không nhận ra điều đó. Ngoài rượu rắn và lông chim, dưới đây là 9 món quà lưu niệm động vật hoang dã mà du khách cần tránh.
Cá ngựa
Có hơn 40 loài cá ngựa khác nhau và nhiều loài trong số này trong tình trạng nguy cấp hoặc sắp nguy cấp. Tuy nhiên, ước tính hàng năm có tới 150 triệu con cá ngựa bị bắt và phơi khô, sau đó sử dụng trong y học cổ truyền hoặc bị bán làm đồ lưu niệm. Hàng trăm ngàn con cá ngựa khác bị bán tươi để nuôi trong bể cảnh. Bạn có thể mang chúng về nhà với số lượng hạn chế nhưng cần có giấy phép. Cơ quan Bảo vệ cá và động vật hoang dã Hoa Kỳ khuyên bạn nên kiểm tra với các cơ quan thích hợp ở quốc gia bạn đến thăm trước khi trở về nhà.
Da động vật và lông thú
Mua đồ lưu niệm làm từ da động vật thường không được khuyến khích cho dù đó là túi xách làm từ da cá sấu hay áo khoác lót lông hổ. Đây chỉ là một vài loài động vật mà da chúng có thể khiến bạn gặp rắc rối: thằn lằn, rắn, hải cẩu, gấu Bắc Cực, rái cá, hổ hổ…. Các sản phẩm quà lưu niệm làm từ da bò sát (ủng, thắt lưng, giày, v.v.) thường bị tịch thu và các quốc gia như Nam Phi, Philippines và Trung Quốc đòi hỏi giấy phép xuất khẩu. Nếu nghi ngờ, Cơ quan Bảo vệ cá và động vật hoang dã khuyên rằng không đáng để bạn mạo hiểm.
Nhạc cụ bằng gỗ trắc
Hơn 350 loài gỗ trắc – thường được sử dụng để chế tạo guitar, sáo và clarinet – được bảo vệ. Việc buôn bán lậu gỗ trắc ở châu Phi và châu Á đang đe dọa sự tồn tại của loại gỗ này, chiếm hơn 1/3 các sản phẩm động vật hoang dã bị tịch thu. Kể từ năm ngoái, việc bán gỗ trắc quốc tế cần phải có giấy phép.
Bùa ngải
Được coi là thẻ siêu nhiên để giúp bạn giữ chặt một người đàn ông trung thành với mình, bạn có thể mua những con chim ruồi đã chết (hoặc chuparosas) ở các chợ Mexico với giá không đầy 3 USD. Người bán có mặt dọc biên giới ở Nam California và Texas. Mua bán hoặc sở hữu những con chim mà không có tài liệu hợp lệ là một tội.
Xương rồng
Khi trở về nhiều nước, bạn sẽ phải để lại xương rồng và các loại cây khác như hoa lan và cây họ cau. Luật lệ nhập khẩu thực vật của Vương quốc Anh có thể thay đổi theo Brexit: bạn sẽ phải nghiên cứu thông tin của chính phủ về những gì có thể mang về.
Vỏ sò và san hô
Có thể rất hấp dẫn khi nhặt những thứ này ở chỗ nghỉ dưỡng nhưng nhiều quốc gia hạn chế xuất khẩu những mặt hàng này. Do bị khai thác quá mức, một số loài san hô được liệt vào nhóm nguy cấp và phần lớn ngành công nghiệp vỏ sò là bất hợp pháp vì vỏ được thu thập khi động vật vẫn còn sống. Trước khi mua, bạn nên nghiên cứu luật của quốc gia sở tại.
Sản phẩm từ rùa biển
Hầu như tất cả các loài rùa biển đều thuộc nhóm nguy cấp và việc buôn bán trứng, thịt và mai chúng là bất hợp pháp. Cẩn trọng với các sản phẩm như đồ trang sức, kẹp tóc, nhạc cụ, sản phẩm từ da rùa cũng như bất cứ thứ gì có nhãn là “mai rùa”, và khi bạn dừng lại để ăn nhẹ, tránh gọi súp và trứng rùa biển.
Shahtoosh
Những chiếc khăn choàng len làm từ lông linh dương Tây Tạngz còn được gọi là chiru, là bất hợp pháp ở hầu hết các quốc gia vì để có len thì cần giết chết một số cá thể của loài động vật nguy cấp này. Năm 2018, trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times, nữ doanh nhân nổi tiếng Martha Stewart lọt vào tâm bão khi nói rằng không bao giờ đi du lịch mà không mang theo một chiếc shahtoosh nhưng rồi phải nhanh chóng làm rõ rằng mình có ý là “giống như shahtoosh” và khăn quàng cổ của cô thực sự được làm bằng len cashmere.
Ảnh động vật hoang dã
Mặc dù về mặt kỹ thuật không phải là một món quà lưu niệm hay tội lỗi nhưng đằng sau hậu trường thì chụp ảnh tự sướng với động vật có thể rất tàn nhẫn. Tại các điểm du lịch động vật hoang dã, những động vật như con lười và trăn anaconda thường bị đánh để chịu nghe lời trước khi chụp ảnh, chúng thường bị bắt khi còn bé và bị nuôi trong điều kiện vô nhân đạo. Nhưng không phải tất cả các ảnh tự sướng đều xấu! Nên chụp những bức ảnh về động vật hoang dã trong sinh cảnh tự nhiên của chúng và tránh tiếp xúc với con người hoặc cản trở động vật.
Nhật Anh (Theo National Graphic)