Khoảng nửa tỷ cá thể ong đã biến mất theo cách tương tự tại bốn bang miền nam Brazil trong những tháng đầu năm 2019. Nghi phạm hàng đầu cho tình trạng này chính là lượng thuốc sâu khổng lồ phục vụ ngành nông nghiệp địa phương.
Đàn ong của ông Aldo Machado, phó chủ tịch Hiệp hội nuôi ong bang Rio Grande do Sul (Brazil) đã chết hàng loạt trong một thời gian ngắn. Chưa đầy 48 tiếng sau khi cá thể ong mật Châu Âu (Apis mellifera) đầu tiên có biểu hiện suy yếu, hàng vạn con khác cũng chết theo nó.
Người ta phát hiện trong các xác ong hầu hết đều có dư lượng Fipronil, một loại thuốc diệt côn trùng đã bị Liên Minh Châu Âu ban lệnh cấm và được Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ đánh giá là chất có khả năng gây ung thư trên người.
Theo thống kê của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp Quốc, lượng thuốc trừ sâu sử dụng tại đây đã tăng 770% từ 1990 đến 2016. Bộ Nông nghiệp cho biết, Brazil hiện đang đứng thứ 44 toàn cầu về mật độ thuốc trừ sâu sử dụng trên mỗi hecta.
Trong báo cáo an toàn thực phẩm gần đây nhất, Cơ quan Thanh tra Vệ sinh Quốc gia Anvisa phát hiện hơn 20% mẫu thực phẩm được kiểm định chứa dư lượng thuốc trừ sâu trên mức cho phép, hoặc có những chất trái phép. Song, glyphosate – loại thuốc trừ sâu phổ biến nhất tại Brazil, đồng thời bị cấm tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, lại không được xét đến.
“Sự biến mất của loài ong chính là dấu hiệu chúng ta đang bị đầu độc”, theo ông Carlos Alberto Bastos, chủ tịch Hiệp hội Người Nuôi ong thuộc Đặc khu Liên bang Brazil.
Từ khi Tổng thống Jair Bolsonaro nhậm chức vào tháng Một năm nay, Brazil đã cấp phép lưu hành 290 loại thuốc trừ sâu, tăng 27% so với cùng kì năm trước. Thậm chí, Quốc hội còn thảo một dự luật nhằm “thả lỏng” hơn nữa cho thị trường thuốc trừ sâu.
Luật pháp hiện hành vừa là nguyên nhân, vừa là rào cản lớn nhất đối với giải quyết tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu tràn lan tại Brazil. Bộ Y tế Brazil đã công bố 15,018 ca ngộ độc thuốc trừ sâu trong năm 2018.
Một trong những nạn nhân ngộ độc có bà mẹ ba con Andresa Batista, 30 tuổi. Năm 2018, cô đến các đồn điền xung quanh thủ đô Brasilia làm công nhân thu hoạch đậu nành. Không lâu sau khi nhận việc, cô bắt đầu cảm thấy chóng mặt, buồn nôn rồi bất tỉnh. Hơn 40 người khác cũng gặp triệu chứng tương tự. Họ được chia làm ba nhóm và đưa đến ba bệnh viện khác nhau. Nhóm cấp cứu đầu tiên đến điều trị cho cô Batista cũng dần cảm thấy không khỏe, khiến bệnh viện yêu cầu tiêu hủy toàn bộ trang phục cô mặc trên người lúc đó. Hai ngày sau, cô và những người khác đi làm lại và lại gặp tình trạng tương tự.
Cuộcc sống của Batista thay đổi hoàn toàn theo hướng tiêu cực. Hơn một năm sau, cô vẫn chưa thể làm việc lại, luôn nôn ra khi ăn, luôn phải có thuốc hỗ trợ tiêu hóa, luôn ra ngoài trời với tình trạng da sưng tấy và suy giảm 30% thị lực. Các bác sĩ thậm chí không thể đưa ra tiên lượng về tình trạng của cô, bởi họ không chắc chắn loại thuốc trừ sâu cô bị ngộ độc là loại nào.
Các tài liệu pháp lý cho thấy Dupont do Brasil SA, công ty quản lý trang trại Batista làm việc, đã đền bù thiệt hại từ 40,000 đến 50,000 reais (tương đương 13,000 USD) cho cô và các đồng nghiệp để giải hòa, tránh kiện tụng. Văn phòng đại diện của Dupont’s không cho biết gì thêm về vụ việc này, với lý do giới hạn pháp lý.
Trước tình trạng các cơ quan chính phủ đang mở đường cho các loại chất gây ung thư nguy hiểm với con người, người dân Brazil lại cho thấy động thái ngược lại. Chuỗi siêu thị Carrefour Brasil đang lên kế hoạch mở rộng nguồn cung các sản phẩm hữu cơ lên 85% trong năm nay. Cô Tatiana Carvalho, 31 tuổi, chủ một dịch vụ giao phát các sản phẩm hữu cơ tại Brasila, cho biết doanh số đang tăng đều sau 4 năm hoạt động, kể cả trong thời kì suy thoái. Hai yếu tố được cô Carvalho cho là đã làm nên thành công của mình bao gồm nhận thức được nâng cao của người dân và quyết định cấp phép thuốc trừ sâu của chính phủ.