Sự miễn trừ sẽ dẫn tới tham nhũng, khiến cho hoạt động buôn lậu động thực vật hoang dã được kích hoạt và trầm trọng thêm. Đây là mối đe dọa lớn nhất đối với sự bền vững của động thực vật hoang dã trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia châu Phi.
Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), chấm dứt tình trạng buôn bán gỗ bất hợp pháp ở châu Phi nên là vấn đề ưu tiên số 1 tại Hội nghị các nước thành viên của Công ước Liên hợp quốc về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng lần thứ 18 (CITES CoP18).
Cuối tuần trước, Chính phủ các nước đã có mặt tại Geneva (Thụy Sỹ) để tham dự sự kiện CITES CoP18 (diễn ra từ ngày17/8 – 28/8/2019). Bên cạnh việc cân nhắc kỹ càng trong việc sửa đổi chế độ buôn bán động thực vật hoang dã toàn cầu, theo TI, các bên liên quan cũng phải ưu tiên giải quyết vấn đề miễn trừ trong buôn bán gỗ trái phép ở châu Phi.
TI cho rằng, sự miễn trừ sẽ dẫn tới tham nhũng, khiến cho hoạt động buôn lậu động thực vật hoang dã được kích hoạt và trầm trọng thêm. Đây là mối đe dọa lớn nhất đối với sự bền vững của động thực vật hoang dã trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia châu Phi.
“Không thể có sự bền vững của động thực vật hoang dã ở nơi mà tội ác của những kẻ buôn bán gỗ và những người bảo lãnh đầy quyền lực của họ lại không bị đụng chạm tới”, ông Rueben Lifuka, Phó Chủ tịch TI nói.
Cũng theo ông Rueben Lifuka, “CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng) cần nắm bắt được động lực chính trị và sử dụng tất cả các công cụ sẵn có để thúc giục các quốc gia châu Phi như Gambia, Madagascar và Senegal – những nơi có Chính phủ mới – thực hiện các bước cụ thể để chống lại sự miễn trừ đối với tội buôn bán gỗ bất hợp pháp. Trước khi có bất kỳ một đề xuất thương mại mới nào được đưa ra, các quốc gia này phải bắt đầu việc thu thập các sai phạm của những kẻ đã gây ra tội ác trong quá khứ để tính toán”.
Ở Madagascar, một cuộc điều tra báo chí bí mật về buôn bán gỗ hồng sắc do Trung tâm Điều tra Tham nhũng và Tội phạm có tổ chức (OCCRP) thực hiện năm ngoái đã cho thấy các mạng lưới buôn bán hoạt động như thế nào với sự bọc lót của các chính trị gia giàu quyền lực. Tổ chức TI tại Madagascar đã cùng với các tổ chức đối tác như Cơ quan Điều tra Môi trường và Liên minh Voahary Gasy vận động thành công để duy trì lệnh cấm hoàn toàn việc xuất khẩu gỗ hồng sắc Madagascar theo Công ước CITES.
“Năm ngoái, chúng tôi đã rất hoan nghênh Công ước CITES trong việc ngăn cản một kế hoạch vô nghĩa của Chính phủ Madagascar, theo đó, trả tiền cho các con buôn để tiếp cận gỗ hồng sắc và gỗ mun một cách bất hợp pháp. Tại CoP18, chúng tôi hi vọng sẽ thấy CITES tiếp tục được duy trì một cách dứt khoát trong việc cấm buôn bán gỗ hồng sắc Madagascar và yêu cầu những con buôn cũng như những người hậu thuẫn họ phải chịu trách nhiệm đầy đủ”, Tiến sỹ Frédéric Lesné, Trưởng ban Vận động Quốc tế của TI Madagascar nói.
Nghiên cứu của TI nhấn mạnh rằng, ở Madagascar, việc miễn trừ trong khai thác bất hợp pháp các tài nguyên nhiên nhiên như gỗ hồng sắc được thúc đẩy bởi có sự đỡ đầu của những người có quyền lực và nhiều hình thức tham nhũng khác.
CoP18 cũng sẽ giải quyết vấn đề buôn bán động thực vật hoang dã trái phép ở Tây và Trung Phi. Đánh giá mối đe dọa mà Ban Thư ký CITES cùng các bên liên quan đã đưa ra và vẽ nên một bức tranh ảm đạm cho các khu vực này, đồng thời chứng minh rằng, buôn bán gỗ bất hợp pháp có thể được kiềm chế nếu những nỗ lực này được thực thi trong sự kết hợp với các biện pháp chống tham nhũng có ý nghĩa.
Đầu năm nay, một cuộc điều tra khác đã vạch trần việc buôn bán gỗ bất hợp pháp ở Gambia dưới thời cựu Tổng thống Yahya Jammeh – người đang sống lưu vong tại Guinea Xích đạo. Tổng cộng, số gỗ bất hợp pháp trị giá 325,5 triệu USD đã đi qua các cảng của Gambia trong khoảng thời gian từ 2010 – 2016. Trong khi, Gambia hiện là quốc gia còn rất ít gỗ rừng. Hầu hết số gỗ bất hợp pháp nêu trên là gỗ hồng sắc nhập lậu từ Senegal. Cuộc điều tra cho thấy, cựu Tổng thống Jammeh đã lợi dụng sự nghèo đói và tình trạng bất ổn ở biên giới trong việc kiểm soát việc buôn bán gỗ hồng sắc bất hợp pháp tại khu vực Casamance của Senegal.
Gambia đang vào cuộc điều tra vai trò của ông Jammeh trong việc buôn bán gỗ từ Casamance, nhưng do các cá nhân đứng đầu của kế hoạch hiện không còn ở trong nước, nên trách nhiệm pháp lý vẫn chưa được thực thi.
Trong khi cả Gambia và Senegal vẫn chưa mở các cuộc điều tra toàn diện về tội phạm tham nhũng và tội phạm động thực vật hoang dã trong những năm trước. TI kêu gọi Chính phủ 2 nước này yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Thư ký CITES và hợp tác chặt chẽ với Hiệp hội quốc tế về chống tội phạm động thực vật hoang dã để bắt đầu thực thi các biện pháp chống tham nhũng cần thiết, nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của quốc gia mình.
CoP18 cũng cần phải trực tiếp giải quyết các khía cạnh liên quan đến nhu cầu của doanh nghiệp. Trên thực tế, phần lớn gỗ nhập lậu bất hợp pháp của Senegal kết thúc hành trình của mình tại Trung Quốc. Tham nhũng và tội phạm có mặt ở dọc theo chuỗi cung ứng này. Bởi vậy, TI kêu gọi các biện pháp chống tham nhũng mạnh mẽ từ các quốc gia là điểm kết thúc của gỗ quý nhập lậu.
Mọi nỗ lực giải quyết tham nhũng một cách có hệ thống cần phải có sự tham gia của người dân và các tổ chức xã hội dân sự ở cơ sở, trong đó bao gồm các nhà hoạt động chống tham nhũng và các nhà hoạt động môi trường.
Cũng theo TI, Công ước CITES nên gọi tên các Chính phủ, nơi các nhà hoạt động và các nhà báo bị đàn áp và bị buộc phải im lặng. Các tổ chức xã hội dân sự có chuyên môn trong những lĩnh vực này nên được CITES mời để đưa ra bằng chứng và khẳng định vai trò quan trọng của họ trong việc xây dựng thể chế cũng như đưa ra các đề xuất, dự thảo mới.