Buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp trên toàn cầu là một “thương vụ” mang lại hàng tỷ đô la mỗi năm, phần lớn diễn ra ở Đông Nam Á, theo một báo cáo gần đây của Văn phòng Liên Hiệp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNOCD).
Hầu hết các hoạt động buôn bán các bộ phận của các loài quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng được thực hiện bởi các tập đoàn tội phạm quốc tế và có liên quan mật thiết với các hoạt động phi pháp khác từ buôn bán ma túy đến buôn người, theo UNOCD. Các nhóm tội phạm có tổ chức đang thu lợi hàng chục tỷ đô la ở Đông Nam Á từ việc buôn ma túy, buôn người, động vật hoang dã, buôn lậu gỗ và hàng giả.
Các quốc gia trong khu vực đều bị ảnh hưởng. Ngay cả Singapore, một quốc đảo nhỏ với ít môi trường sống tự nhiên còn sót lại đã bị lôi kéo vào thị trường “chợ đen” nguy hiểm và tinh vi này. Các mạng lưới buôn lậu quốc tế sử dụng quốc gia này như một điểm trung chuyển từ nơi vận chuyển các bộ phận của động vật hoang dã như ngà voi, sừng tê giác và vảy tê tê ở châu Phi và các khu vực khác đến Trung Quốc, Hồng Kông và Việt Nam.
Tại các quốc gia này, nhiều người giàu có sẵn sàng tìm kiếm cơ hội chữa bệnh từ những bộ phận của động vật hoang dã với niềm tin rằng những bộ phận này có những đặc tính chữa bệnh tuyệt vời theo nguyên lý của Y học cổ truyền Trung Quốc (TCM). Tuy nhiên, niềm tin đó hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Sừng tê giác thường được tiêu thụ ở dạng năng lượng, không chữa được bệnh gút hoặc thấp khớp và càng không chữa được bệnh ung thư.
Xương hổ khô hoặc râu của nó cũng không chữa được bệnh viêm màng não hay sốt rét. Việc tiêu thụ một số bộ phận của hổ không làm các quý ông trở nên sung mãn hơn. Mật gấu cũng không có tác dụng gì đối với các bệnh: trĩ, viêm kết mạc hoặc viêm gan. Chỉ trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể cảm thấy khá hơn do lợi ích của hiệu ứng giả dược.
Tuy nhiên, hàng triệu người khắp khu vực – từ Trung Quốc đến Malaysia vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào các đặc tính chữa bệnh của các bộ phận động vật hoang dã mặc dù không có bằng chứng khoa học nào về giá trị dược liệu của chúng. Những phương pháp chữa bệnh được mệnh danh là “truyền thống” này thực chất là một quan điểm lạc hậu, phi khoa học của con người, khi chúng ta tin rằng có thể lĩnh hội các đặc tính tự nhiên của các loài động vật để trở nên mạnh khỏe và kéo dài tuổi thọ.
Theo quan niệm cổ xưa, người ta tin rằng, ăn trứng của rùa biển có thể trường thọ vì rùa sống lâu. Suy đoán này thực sự không có căn cứ. Kể cả việc người Trung Quốc dùng sừng tê giác (vốn được người Trung cổ xem là kỳ lân trong truyền thuyết) như một liệu pháp để chữa những bệnh liên quan đến tâm linh (như ma quỷ ám).
Trong khi đó, hầu hết các loại thuốc truyền thống từ động vật hoang dã quý hiếm đều vô dụng và thậm chí là có hại. Nếu điều trị rắn độc cắn bằng sừng tê giác thì bệnh nhân có thể tử vong. Sừng tê giác cũng không thể thanh lọc nước như cách mà nhiều người hành nghề y học cổ truyền vẫn làm. Sừng tê giác là chất sừng, tương tự móng tay của con người. Bạn có thể nhai được nó nhưng thực chất nó không hề có tác dụng y học nào.
Một số hỗn hợp sử dụng trong y học cổ truyền có chứa độc tố tự nhiên và các chất ô nhiễm nguy hiểm, có thể gây ra một loạt các bệnh suy nhược từ suy thận đến ung thư. Trong một nghiên cứu về bệnh nhân ung thư đường tiết niệu tại Đài Loan, nơi y học cổ truyền Trung Quốc hiện rất phát triển, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng 84% bệnh nhân đã tiếp xúc lâu dài với axit aristolochic, một chất gây ung thư nhưng khá phổ biến trong y học cổ truyền.
Qua nhiều nghiên cứu, Fritz Sörgel, Viện trưởng Viện nghiên cứu y sinh và dược phẩm ở Nichberg cũng đã chỉ ra sự độc hại trong các sản phẩm y học cổ truyền. Và theo ông, nhẽ ra, việc này cần được truyền thông rộng rãi.
Bất chấp tất cả, y học cổ truyền Trung Quốc vẫn đang phát triển bền vững và ngày càng tiến xa hơn với các phương thuốc phi khoa học trị giá hàng tỷ đô la được bán ở hàng loạt cửa hàng dược liệu cũng như hệ thống trực tuyến trên mạng. Sự hưng thịnh của nền kinh kế Trung Quốc đã và đang mang lại cho phương thức chữa bệnh này những lợi ích to lớn.
Ngày càng nhiều người giàu có sẵn sàng chi trả cho các loại bia rượu, dung dịch pha chế, thuốc bổ, thạch cao và thuốc mỡ với niềm tin rằng đây là chìa khóa lâu dài để có cuộc sống khỏe mạnh.
Không chỉ có thế, điều tồi tệ hơn là sự u mê vào y học cổ truyền đã gây nên những hậu quả tàn khốc cho các loài động vật hoang dã và hệ sinh thái của chúng từ Malaysia đến Campuchia, từ Indonesia đến Thái Lan. Những con hổ bị săn trộm và đang ở bờ vực tuyệt chủng; quần thể tê giác hoang dã đã bị tàn sát; vô số loài gấu bị giam cầm “chung thân” tại các trang trại thu gom mật ở Việt Nam và Lào, nơi chúng bị lạm dụng đến kiệt quệ.
Nạn săn trộm để phục vụ cho nền y học cổ truyền Trung Quốc đã trở thành vấn nạn khắp châu Á, châu Phi và lan ra toàn cầu. Dù số lượng quần thể hổ hoang dã, tê giác và rùa đang giảm dần, thì giá của các động vật hoang dã khác vẫn tăng theo cấp số nhân trên thị trường động vật hoang dã bất hợp pháp, vì thế lại thúc đẩy nạn săn trộm ngày một mạnh mẽ hơn.
Ngay cả khi các phương pháp chữa bệnh truyền thống từ động vật hoang dã có hiệu quả, vẫn không gì có thể biện minh cho tất cả sự đau đớn, cái chết và sự diệt vong mà con người đã gây ra cho chúng. Với mong muốn sống khỏe, con người ngày càng đẩy hệ sinh thái vào trạng thái ốm yếu, bất ổn.