Những năm gần đây, tình trạng mua bán, giết hại động vật hoang dã, quý hiếm tuy đã được tích cực ngăn chặn nhưng vẫn xảy ra tại một số địa phương. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an đã và đang kiên quyết đấu tranh, phát hiện, triệt phá những ổ, nhóm tội phạm này.
Ngày 25-7, Phòng Cảnh sát điều tra (CSÐT) tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an TP Hà Nội triệt phá đường dây vận chuyển, buôn bán hổ xuyên quốc gia, bắt giữ quả tang “ông trùm” cầm đầu đường dây đang vận chuyển đi tiêu thụ bảy cá thể hổ đông lạnh.
Tài liệu vụ án cho thấy, sau một thời gian cử các trinh sát theo dõi, thu thập chứng cứ, hồi 14 giờ ngày 23-7, dưới sự chỉ đạo của Ðại tá Phùng Anh Lê, Trưởng phòng CSÐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Ðội Chống buôn lậu và buôn bán hàng cấm thực hiện kiểm tra ô-tô nhãn hiệu Hyundai Santafe BKS 37A-448.16 tại hầm để xe tòa nhà Indochina (241 Xuân Thủy, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội), phát hiện trên xe có bảy cá thể hổ đông lạnh.
Thời điểm kiểm tra, trên ô-tô có ba người gồm Nguyễn Hữu Huệ (SN 1967, ở xóm 3, xã Diễn Ðoài, huyện Diễn Châu, Nghệ An), là giám đốc Công ty TNHH dịch vụ thương mại Ðại Minh (trụ sở tại xóm 16, Diễn Yên, Diễn Châu); Phan Văn Vui (SN 1985, là lái xe, ở xóm 6, Diễn Yên, Diễn Châu) và Hồ Anh Tú (SN 1991, là em họ của Huệ, ở xóm 12, xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An).
Tại cơ quan công an, Huệ khai nhận mua số cá thể hổ nói trên tại Lào, sau đó vận chuyển trái phép vào Việt Nam bằng đường bộ và đưa ra Hà Nội tìm mối tiêu thụ.
Huệ là đối tượng cầm đầu đường dây chuyên buôn bán hổ xuyên quốc gia từ nhiều năm nay. Ðối tượng thường xuyên sang Lào tìm những đầu nậu để thu mua hổ rồi vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ dưới dạng đông lạnh.
Ðể đối phó lực lượng chức năng, Huệ thường lựa chọn những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong xã để cất giấu tang vật hoặc cất giấu trong tủ cấp đông ở trang trại, giao cho em vợ trông coi.
Ðối tượng này chỉ thực hiện các thương vụ mua bán hổ với những người quen biết, thời gian và địa điểm giao nhận hàng do Huệ đưa ra.
Trước đó, đường dây mua bán này từng bị công an các địa phương lên phương án triệt phá, điển hình như tháng 1-2017, Công an tỉnh Nghệ An kiểm tra trang trại của Huệ ở xã Diễn Ðoài, Diễn Châu do Nguyễn Văn Kiên là em vợ của Huệ trông coi, phát hiện trong tủ cấp đông có hai cá thể hổ trọng lượng gần 300kg và nửa con sơn dương.
Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, Nguyễn Hữu Huệ không có mặt tại trang trại. Việc Huệ thành lập Công ty TNHH dịch vụ thương mại Ðại Minh chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng chỉ là vỏ bọc cho hoạt động buôn bán hổ và động vật hoang dã bất hợp pháp. Ðể đối phó với cơ quan chức năng, đối tượng Huệ có rất nhiều “đệ tử” sẵn sàng đứng ra nhận tội thay.
Trong một vụ án khác, ngày 29-7, Cơ quan CSÐT Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã khởi tố Nguyễn Văn Hào (SN 1984) trú tại xã Hồng Hà, huyện Ðan Phượng, TP Hà Nội về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm.
Trước đó, tại khu vực đường Cầu Diễn, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, lực lượng công an phát hiện đối tượng Hào đang ngồi trên xe máy, ở yên xe có buộc một thùng giấy có dấu hiệu nghi vấn. Khi mở thùng, phát hiện bên trong có cá thể gà tiền mặt đỏ.
Tại thời điểm kiểm tra, Hào không xuất trình được giấy tờ liên quan cá thể nêu trên. Hào khai nhận, khoảng tháng 3-2018, Hào lên mạng in-tơ-nét mua hai con gà rừng với giá là 2,5 triệu đồng. Sau đó, Hào tìm hiểu trên mạng biết gà tiền mặt đỏ là loài động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; việc nuôi nhốt, bán cá thể gà tiền mặt đỏ nêu trên là vi phạm pháp luật, nhưng do hám lợi cho nên vẫn thực hiện hành vi phạm tội.
Có thể nói, kể từ ngày 1-1-2018, việc quy định người có hành vi tàng trữ trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự (theo điều 244 Bộ luật Hình sự, sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực đã có tác động rất lớn tới công tác phòng, chống tội phạm.
Nhiều đối tượng đã phải trả giá cho hành vi vi phạm pháp luật của mình, như đối tượng Hoàng Tuấn Hải phải chịu án 4 năm 6 tháng tù giam cho hành vi tàng trữ, buôn bán trái phép rùa biển.
Để nâng cao hiệu quả phòng, chống nạn mua bán động vật hoang dã, thời gian tới, lực lượng công an cần tiếp tục phối hợp các lực lượng kiểm lâm, quản lý thị trường, bộ đội biên phòng tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển, nuôi nhốt động vật để kiểm soát tình hình.
Ðặc biệt, cần có các tổ công tác thường xuyên kiểm tra các nhà hàng, quán ăn nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời tình trạng mua bán, giết hại động vật hoang dã.
Bên cạnh đó, cần thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm, giúp người dân nâng cao nhận thức, từ bỏ thói quen săn bắt, tiêu thụ, mua bán để chung tay bảo vệ động vật hoang dã.