Chiều 29/8 tại Hà Nội, GIZ và Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức Hội thảo trao đổi kỹ thuật về trách nhiệm giải trình và xác minh tuân thủ trong xây dựng Nghị định quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS).
Mục tiêu của hội thảo nhằm thúc đẩy hiểu biết và trao đổi kinh nghiệm giữa các thành viên của ban soạn thảo và ban biên tập dự thảo Nghị định VNTLAS với các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng như nhân sự trong ngành gỗ về trách nhiệm giải trình và xác minh tuân thủ trong kiểm soát nhập khẩu gỗ.
Ông Koen Duchateau, Trưởng ban Hợp tác, Phái đoàn Châu Âu tại Việt Nam cho biết, trọng tâm của thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT là xây dựng và vận hành Hệ thống VNTLAS nhằm đảm bảo tính hợp pháp của gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Hiêp định được triển khai đầy đủ khi cơ chế cấp phép FLEGT của Hệ thống VNTLAS bắt đầu hoạt động, gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam được cấp phép FLEGT sẽ có lợi thế cạnh tranh rất lớn khi xuất khẩu sang Châu Âu. Ngoài ra, uy tín ngành chế biến gỗ Việt Nam cũng được nâng cao không chỉ tại thị trường EU mà còn tại các thị trường xuất khẩu khác, các thị trường đang này ngày càng có nhu cầu cao về gỗ hợp pháp.
Đại diện Đại sứ quán Đức tại Việt Nam chia sẻ, việc hỗ trợ quá trình thực thi Hiệp định đối tác tự do FLEGT ở Việt Nam là một trong những trọng điểm của hợp tác phát triển Đức đã được Việt Nam và Đức cùng thống nhất trong các lần tham vấn giữa hai chính phủ trong năm 2018. Trong đó, xây dựng các thể chế mạnh mẽ và chịu trách nhiệm trong lĩnh vực lâm nghiệp, chống lại thương mại gỗ lậu và tăng cường năng lực xã hội dân sự là 3 trong số 12 ưu tiên của Kế hoạch hành động bảo vệ rừng của Hợp tác phát triển Đức.
Hỗ trợ hợp tác phát triển của Đức với Việt Nam ở lĩnh vực này trong hiện tại cũng như tương lai đều tập trung vào vào nâng cao khung thể chế chính sách và năng lực của các chủ thể thực thi, ví dụ như triển khai kiểm soát hiệu quả gỗ nhập khẩu, nhà nhập khẩu gỗ thực hiện trách nhiệm giải trình và xây dựng cơ chế giám sát độc lập và tích cực đối với quản trị rừng và các biện pháp phòng vệ.
“Chính phủ Đức vô cùng trân trọng quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc thực thi các cam kết của Hiệp định đối tác tự nguyện FLEGT. Chúng tôi rất vui mừng khi được chứng kiến sự tham gia toàn diện, tích cực và cam kết của nhiều bên liên quan trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định về Hệ thống Đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS). Các vòng tham vấn, lấy ý kiến công khai của Bộ NN-PTNT cũng như sự tham gia chủ động của nhóm nòng cốt đa bên là cơ hội tuyệt vời để việc cấp phép FLEGT được tiếp cận và chấp nhận rộng rãi.” Trưởng Ban hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Đức Ông Sebastian Paust nhấn mạnh.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị, EU là một trong những thị trường xuất khẩu chính (trong top 5) về gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong những năm qua, EU vẫn duy trì vị trí là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai (sau Mỹ) đối với mặt hàng gỗ giá trị gia tăng từ Việt Nam. Vì vậy, EU là thị trường xuất khẩu có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam.
Với việc Hiệp định VPA-FLEGT được ký kết vào ngày 18/10/2018 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/06/2019, Chính phủ Việt Nam đã cam kết xây dựng Hệ thống Đảm bảo Gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS), nâng cao hiệu quả cơ chế phát hiện, xử lý vi phạm và đảm bảo hiệu lực thực thi pháp luật. Phạm vi của cam kết này bao gồm gỗ nhập khẩu, một trọng điểm đã được EU ưu tiên trong suốt quá trình đàm phán. Nói cách khác, gỗ khai thác trái phép và các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này sẽ không được phép tham gia vào chuỗi cung ứng trong Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp mà Việt Nam đang trong quá trình xây dựng và chuẩn bị triển khai.
Theo chia sẻ của các đại biểu tham dự hội thảo, quá trình thực thi Hiệp định VPA (bao gồm cả Hệ thống VNTLAS) đòi hỏi sự tham gia của đại diện nhiều bên liên quan khác nhau, bao gồm các cơ qua nhà nước (đặc biệt tại địa phương), khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội dân sự và các đơn vị trồng rừng. Các bên được kỳ vọng sẽ hợp tác chặt chẽ để tìm ra phương pháp hiệu quả nhằm đảm bảo tính hợp pháp của sản phẩm gỗ sản xuất tại Việt Nam.