Dự án xây dựng Hệ thống chuẩn giám sát tài nguyên nước đã triển khai hành lang pháp lý, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm theo dõi diễn biến sử dụng nước thời gian thực…
Ngày 16/8, tại Hà Nội, Cục Quản lý Tài nguyên nước và Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu Tài nguyên môi trường tổ chức Hội nghị về thực hiện dự án “Xây dựng hệ thống theo dõi và quản lý diễn biến nguồn nước mặt, nước dưới đất và hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả thải vào nguồn nước, phục vụ giám sát việc tuân thủ giấy phép tài nguyên nước và công tác chỉ đạo.”
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho rằng dự án đã đạt được một số kết quả đáng kể, cụ thể đã triển khai hành lang pháp lý, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm theo dõi diễn biến sử dụng nước thời gian thực… phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Tuy vậy, các đơn vị được giao thực hiện dự án cần tận dụng những nhiệm vụ đang có, sắp xếp thực hiện mục tiêu sắp tới nhằm đẩy mạnh tiến độ xây dựng Hệ thống thông tin theo dõi, giám sát khai thác, sử dụng và xả nước thải vào nguồn nước; đồng thời đưa Hệ thống chuẩn vào vận hành muộn nhất đầu năm 2020.
Cần xây dựng, thiết kế một cách tổng thể hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước để đảm bảo đáp ứng đầy đủ các mục tiêu dự án đề ra; đảm bảo khả năng kết nối, chia sẻ và tích hợp với các hệ thống thông tin có liên quan tại bộ, các hệ thống giám sát tài nguyên môi trường, hệ thống quan trắc tại các địa phương phù hợp với định hướng kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết dự án đã được Cục Quản lý Tài nguyên nước phối hợp Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu Tài nguyên môi trường tổ chức triển khai từ năm 2018, đến nay đã đạt một số kết quả nhất định.
Dự án đã thực hiện một phần đánh giá hiện trạng công tác quản lý thông tin, số liệu quan trắc theo giấy phép tài nguyên nước; xây dựng chuẩn kết nối dữ liệu và một số dạng chuyển đổi kết nối vào hệ thống (đã dự thảo được một số chuẩn kết nối dữ liệu cho thiết bị quan trắc và camera).
Đồng thời, Cục Quản lý Tài nguyên nước cũng đang tổng hợp, phân loại tài liệu, chuẩn bị xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ theo dõi, giám sát và quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả thải vào nguồn nước…
Đặc biệt, hệ thống giám sát đã được kết nối thử nghiệm tới trạm quan trắc tài nguyên nước thuộc Dự án giám sát nước xuyên biên giới; các công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất thuộc Công ty cấp nước Sài Đồng-Gia Lâm; Công ty cấp nước Cà Mau và các công trình xả nước thải vào nguồn nước như Khu công nghiệp Quang Minh…
Tuy vậy, vẫn còn nhiều khó khăn do phương thức truyền dữ liệu từ địa phương tới hệ thống giám sát Trung ương chưa đồng bộ, thống nhất; hạ tầng công nghệ thông tin của nhiều Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố chưa đáp ứng được yêu cầu… Do đó, cần giải pháp tổng thể nhằm đáp ứng hiện trạng cũng như mở rộng về sau.
Tại hội nghị, các đại diện thuộc nhiều đơn vị trong Bộ đưa ra 2 giải pháp kỹ thuật chính của hệ thống. Đó là giải pháp ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý thu thập số liệu và giải pháp an toàn, an ninh dữ liệu nhằm xây dựng hệ thống chuẩn để các hệ thống dữ liệu về quản lý cấp phép khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước của 63 tỉnh, thành phố kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu.
Để đảm bảo kế hoạch thực hiện của dự án và lộ trình triển khai Thông tư 47/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Cục trưởng Châu Trần Vĩnh kiến nghị Bộ xem xét điều chỉnh dự án trên cơ sở điều chỉnh các giải pháp kỹ thuật và một số nội dung thực hiện phù hợp.
Dự án cần xây dựng theo hướng giám sát có lộ trình, ưu tiên các tiêu chí giám sát đối với các chỉ số giám sát tự động, sau đó đến các tiêu chí bán tự động và thủ công; tập trung vào các chức năng thu thập, cập nhật, quản lý, phân tích cảnh báo và công bố dữ liệu giám sát tài nguyên nước…
Ngoài ra, dự án đề xuất xem xét cấp vốn để thực hiện các nội dung xây dựng hệ thống phần mềm giám sát, đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, giải pháp kỹ thuật.