Người dân Thái Lan phản đối kế hoạch tái khởi động dự án hạt nhân

Viện Công nghệ Hạt nhân Thái Lan (TINT) đang tìm cách hạ bớt áp lực ngày càng tăng của công chúng về đề xuất khơi lại dự án xây dựng lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân ở quận Ongkharak, tỉnh Nakhon Nayok.

Dự án vấp phải một cuộc biểu tình tại địa phương buộc TINT giải thích rằng nghiên cứu Đánh giá tác động môi trường và sức khỏe (EHIA) chưa hoàn thành.

Một cuộc diễu hành gần đây yêu cầu dự loại bỏ án, cho rằng sức khỏe và môi trường của cộng đồng sẽ bị đe dọa nếu kế hoạch tiếp tục.

Hannarong Shamsub, Phó giám đốc TINT cho biết các phiên điều trần công khai – là một phần của EHIA- đã bắt đầu vào năm ngoái và dự kiến sẽ kết thúc trong vài tháng tới.

Địa điểm dự định xây dựng lò phản ứng hạt nhân Ongkharak. (Ảnh: Bangkok Post)

Theo Phó giám đốc TINT, nhiều người biểu tình là những người ngoài cuộc đã cố gắng bóp méo sự thật trong khi 90% người dân địa phương không phản đối dự án vì họ hiểu rằng đó không phải là lò phản ứng phát điện hạt nhân mà là lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân. Đồng thời nhấn mạnh rằng công nghệ này rất quan trọng đối với các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và y tế công cộng.

“Chúng tôi đang ở giai đoạn ban đầu và cần phải đi một quãng đường dài trước khi dự án thành hiện thực. Có thể mất ít nhất bảy năm để xây dựng lò phản ứng nghiên cứu”.

Hannarong cũng lưu ý dự án có thể không được chính phủ chấp thuận vì cần khoản đầu tư khổng lồ.

Dự án trị giá năm tỷ baht này được nội các phê duyệt năm 1989, sau đó đã bị hoãn lại 10 năm trước.

Hơn một nửa ngân sách đã được chi cho hợp phần xây dựng trước khi kiểm toán nhà nước phát hiện dự án có nhiều điều bất thường và tình trạng các quan chức liên quan lạm quyền.

Tranh chấp giữa công ty General Atomics của Mỹ – đơn vị được ký hợp đồng xây dựng – và các quan chức nhà nước có liên quan đã được đưa lên cho trọng tài kinh tế phân xử.

Tuy nhiên, do công suất của lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân hiện có ở Bang Khen, Bangkok chỉ 2 MW nên TINT đã đề xuất xây lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân 20 MW tại Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Ongkharak với giá 16 tỷ baht.

Hannarong nói rằng lò phản ứng nghiên cứu mới sẽ giúp Thái Lan tiết kiệm được số tiền lẽ ra sẽ dùng để nhập khẩu các sản phẩm phóng xạ điều trị ung thư.

Lò phản ứng nghiên cứu sẽ phục vụ 28 bệnh viện trên toàn quốc.

Quy mô sản xuất hiện đang được cơ sở nghiên cứu hạt nhân Bang Khen cung cấp không đáng ứng được nhu cầu ngày càng tăng.

Liên quan đến những lo ngại về tác động môi trường, đại diện của TINT cho biết chưa có báo cáo về rò rỉ phóng xạ từ Bang Khen, củng cố thực tế rằng họ có đủ kinh nghiệm và khả năng vận hành cơ sở một cách an toàn và hiệu quả.

Hơn nữa, giám sát nước và không khí theo thời gian thực sẽ đảm bảo cơ sở được an toàn suốt ngày đêm. Nước lấy từ sông sẽ được tuần hoàn bên trong nhà máy chứ không chảy ngược ra sông.

Trong khi đó, Rangsan Padungtham, lãnh đạo chủ chốt của nhóm biểu tình, cho biết không hề bị thuyết phục trước đảm bảo an toàn của TINT.

Các cộng đồng ở gần lò phản ứng được đề xuất đang canh tác trong khu vực có nguy cơ ô nhiễm phóng xạ, đặc biệt là khi dòng sông đổ vào lò phản ứng được đề xuất chỉ cách đó nửa cây số.

Rangsan cho biết dự án đang được hồi sinh để phục vụ đặc khu kinh tế phía đông, còn cộng đồng địa phương sẽ không có lợi ích gì từ nó.

“Chính phủ nên dừng dự án vì nó không được quản lý minh bạch”.

“Quá trình điều trần công khai đang được thực hiện bất hợp pháp mà không lắng nghe những người sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án”.

Rangsan cho biết những người biểu tình sẽ ngăn chặn phiên điều trần công khai cuối cùng diễn ra vào tháng tới, nếu nhu cầu của họ không được đáp ứng.

Nhật Anh (Theo Bangkok Post)

Nguồn: