Lần đầu tiên trong lịch sử Diễn đàn Các đảo Thái Bình Dương, Australia chính thức rút khỏi một cam kết về biến đổi khí hậu, sau 12 tiếng thảo luận về dự thảo tuyên bố chung.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, 18 nhà lãnh đạo quốc gia Thái Bình Dương ngày 16/8 đã ra tuyên bố chung của Diễn đàn Các đảo Thái Bình Dương (PIF) 2019, trong đó khẳng định biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất đối với đời sống, an ninh của người dân ở khu vực Thái Bình Dương.
Tuyên bố này cũng được kết hợp với tuyên bố về biến đổi khí hậu, trong đó kêu gọi các thành viên Nhóm 7 nền công nghiệp tiên tiến hàng đầu thế giới (G7) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cần “nhanh chóng thực thi các cam kết loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả.”
Mặc dù đạt được tuyên bố chung, nhưng các cam kết năm nay của PIF đã không thống nhất theo kỳ vọng. Lần đầu tiên trong lịch sử diễn đàn, Australia chính thức rút khỏi một cam kết về biến đổi khí hậu, sau 12 tiếng thảo luận về dự thảo tuyên bố chung.
Phát biểu tại lễ bế mạc, Chủ tịch PIF, Thủ tướng Tuvalu Enele Sopoaga mô tả các cuộc đàm phán là một “cuộc đấu tranh khó khăn và dai dẳng.”
Ông Sopoaga đã lấy làm tiếc khi một cam kết quan trọng không được thông qua, nhưng hy vọng các cam kết khác của tuyên bố chung vẫn thu hút sự chú ý của người dân Thái Bình Dương.
Trước đó, để làm giảm mâu thuẫn về các điều khoản chống biến đổi khí hậu và hạn chế bớt phạm vi cam kết của tuyên bố chung của Diễn đàn, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã công bố khoản tài trợ mới trị giá hơn 1,36 triệu USD giúp các quốc đảo Thái Bình Dương đối phó với sự cố tràn dầu và các sự kiện ô nhiễm hàng hải khác.
Ngoài ra, ông Morrison cũng tiết lộ về khoản đầu tư kỷ lục của Australia 377 triệu USD vào ngành năng lượng tái tạo, cam kết giảm sự phụ thuộc vào than đá và theo đuổi mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo quốc đảo ở Thái Bình Dương cho rằng mức đầu tư này chưa đủ.
Thủ tướng Tuvalu khẳng định việc Australia từ chối cam kết là một điều đáng tiếc.
Trong khi đó, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã lên tiếng phản đối quyết định không cam kết của ông Morrison, và cho rằng Australia cần có câu trả lời cho Thái Bình Dương về biến đổi khí hậu.
Tháng 7 vừa qua, tại Diễn đàn Phát triển các quốc đảo Thái Bình Dương diễn ra tại Fiji, các đảo quốc trong khu vực (không bao gồm Australia và New Zealand) đã cùng ký tuyên bố chung, có tên gọi là Tuyên bố Vịnh Nadi, về khủng hoảng biến đổi khí hậu ở Thái Bình Dương.
Tuyên bố đề nghị giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp và ngừng ngay lập tức trên phạm vi toàn cầu các hoạt động khai thác than, xây mới các nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá và nhanh chóng loại bỏ việc sử dụng nguyên liệu than trong ngành điện.
Tuyên bố này đã trở thành khởi điểm cho các cuộc thảo luận dự thảo thông cáo chung tại diễn đàn năm nay.
Đặc biệt, “Tuyên bố Vịnh Nadi” cũng chỉ rõ và hối thúc Australia từ bỏ kế hoạch sử dụng các khoản “tín dụng chuyển giao” để đáp ứng các mục tiêu khí hậu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, cũng như yêu cầu chính phủ nước này ngăn chặn việc khai thác than mới và tăng cường xây dựng chiến lược thay thế các nhà máy khai thác than đá đang hoạt động.