Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2018, hiện trạng môi trường nước các lưu vực sông hiện đang diễn biến phức tạp, một số nơi chất lượng nước bị ô nhiễm nặng.
Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện trạng ô nhiễm môi trường nước các lưu vực sông đang diễn biến phức tạp. Chỉ tính riêng lưu vực sông Cầu và Nhuệ – Đáy, hiện đang phải tiếp nhận khoảng gần 6.000 nguồn thải, trong đó, có nhiều nguồn nước thải chưa được xử lý.
Vì thế, việc cần được ưu tiên giải quyết là sớm xây dựng quy chế phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên tỉnh; tăng cường triển khai các chương trình phối hợp liên tỉnh về kiểm soát ô nhiễm môi trường nước tại các điểm nóng ô nhiễm, tránh nguy cơ ô nhiễm xảy ra trên diện rộng.
Oằn mình “gánh” nguồn thải
Chia sẻ với báo chí về việc năm 2018 Bộ Tài nguyên và Môi trường lựa chọn chuyên đề môi trường nước các lưu vực sông để tổng hợp, nghiên cứu, đánh giá, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân – một trong những người trực tiếp tham gia chỉ đạo xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2018 nhấn mạnh: Các sự cố môi trường từ nhỏ đến lớn, các tranh chấp nguồn nước liên quan đến các dòng sông xảy ra trong thời gian qua đã và đang ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, an ninh xã hội của các địa phương.
Trong bối cảnh thế giới đặt ra vấn đề an ninh môi trường, an ninh nguồn nước ngày một cấp thiết thì việc Việt Nam cần nhìn nhận đúng thực trạng về môi trường các lưu vực sông.
Qua nghiên cứu, đánh giá, Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2018 đã nhận diện các thách thức đối với bảo vệ môi trường nước các lưu vực sông và đề xuất các giải pháp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm nước trong thời gian tới.
Chỉ tính riêng lưu vực sông Cầu, báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy: Tác động của các hoạt động kinh tế xã hội, nhất là của các khu công nghiệp, sản xuất làng nghề, khu khai thác và chế biến, các tụ điểm dân cư của 6 tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh và Hải Dương khiến môi trường nước lưu vực sông Cầu bị ô nhiễm nặng.
Tính đến tháng 7/2018, trên lưu vực sông Cầu có khoảng trên 4.000 nguồn thải, trong đó, có 3.555 nguồn thải là cơ sở sản xuất, kinh doanh; 144 nguồn thải là khu công nghiệp, cụm công nghiệp; 238 cơ sở y tế; 140 làng nghề. Số lượng nguồn thải lớn nhất tập trung nhiều nhất trên địa phận các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Bắc Ninh (Bắc Ninh 983 nguồn thải, Bắc Giang 799, Thái Nguyên 1095). Vĩnh Phúc và Bắc Kạn là hai địa phương trên lưu vực sông có số lượng nguồn thải ít nhất.
Điều đáng nói là nước thải từ các nguồn thải này hầu hết vẫn chưa được xử lý trước khi xả vào lưu vực, đặc biệt là nước thải từ sản xuất công nghiệp, làng nghề và nước thải sinh hoạt. Đây là những tác nhân chính gây suy giảm chất lượng môi trường nước mặt trên lưu vực sông Cầu.
Thống kê sơ bộ cho thấy, lượng nước thải sản xuất kinh doanh thải ra lưu vực sông Cầu chiếm khoảng 68,88% toàn vùng, nước thải khu công nghiệp, cụm công nghiệp chiếm khoảng 6,23%; nước thải làng nghề khoảng 24,25%; nước thải y tế 0,64%.
Đối với lưu vực sông Nhuệ – Đáy chảy qua địa phận các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình và một phần của thành phố Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã tiến hành điều tra được khoảng 1.982 nguồn thải đổ vào lưu vực sông. Trong đó, 1.662 nguồn thải là cơ sở sản xuất, kinh doanh; 39 nguồn thải là khu công nghiệp, cụm công nghiệp; 137 cơ sở y tế; 144 làng nghề.
Hiện nay, nước thải sinh hoạt thải ra lưu vực sông Nhuệ – Đáy chiếm tỷ lệ lớn nhất so với tất cả các nguồn thải khác gộp lại (lên tới trên 65%). Trong đó, Hà Nội thải sinh hoạt thải ra sông Tô Lịch là 150.000m3/ngày đêm (chiếm 87%); còn các tỉnh còn lại đều chiếm trên 65%. Tất cả các nước thải sinh hoạt này, hầu hết đều không được xử lý và thải thẳng ra nguồn tiếp nhận và đi vào sông Nhuệ – Đáy.
Hiến kế “cứu” dòng sông “nghẹt thở”
Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, ô nhiễm môi trường nước trên các lưu vực sông xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, một phần do tiếp nhận chất thải từ các nguồn xả thải vào lưu vực sông, một phần do sự lan truyền chất ô nhiễm trong môi trường nước. Trong đó, một số nguồn phát sinh chính là nước thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề, y tế và chất thải rắn.
Theo số liệu thống kê gần nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến năm 2017, tổng lưu lượng nước thải xả thải trên toàn quốc theo giấy phép xả thải đã cấp khoảng 100 triệu m3/ngày đêm. Trong đó, lượng nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu nước thải phát sinh.
Nước thải sinh hoạt chiếm 30% tổng lượng thải trực tiếp ra các sông hồ, hay kênh rạch dẫn ra sông. Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng là 2 vùng tập trung nhiều lượng nước thải sinh hoạt nhất cả nước. Trong khi đó, chỉ có 12,5% nước thải sinh hoạt từ các đô thị loại IV trở lên được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn quy định.
Nước thải công nghiệp phát sinh chủ yếu ở 2 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam. Nước thải ở các khu công nghiệp cơ bản được xử lý (hơn 88% khu công nghiệp có khu xử lý nước thải tập trung). Song, tại các cụm công nghiệp, phần lớn nước thải không qua xử lý hoặc xử lý không đạt tiêu chuẩn đổ vào các lưu vực sông, bởi chỉ có 15,8% cụm công nghiệp có khu xử lý nước thải.
Trong nông nghiệp, ước tính mỗi năm, có khoảng 70.000 kg và hơn 40.000 lít thuốc trừ sâu xâm nhập vào môi trường, làm gia tăng mức độ ô nhiễm nước mặt, nước ngầm. Các hoạt động sản xuất nông nghiệp ở khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, chăn nuôi có những tác động đáng kể đến môi trường nước mặt.
Tuy khối lượng nước thải y tế không nhiều nhưng lại chứa nhiều chất nguy hại. Mặc dù, nước thải y tế đã được chú trọng kiểm soát. Theo Bộ Y tế năm 2018, tỷ lệ nước thải y tế phát sinh tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, cấp tỉnh, cấp huyện được xử lý theo quy định đạt 97,3%.
Bên cạnh các nguồn nước thải kể trên, một lượng lớn chất thải rắn đổ bừa bãi, không những gây ô nhiễm các dòng kênh, sông, có nơi làm tắc nghẽn dòng chảy. Chỉ tính riêng cho loại chất thải rắn của gia súc, đã thải vào môi trường là 50 triệu m3/năm. Nhiều bãi rác, khu xử lý rác chưa đảm bảo tiêu chuẩn cũng là nguồn gây ô nhiễm lớn cho các dòng sông.
Hiện, cả nước có khoảng 660 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, trong đó, chỉ có 203 bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh lại là nguy cơ làm ô nhiễm các tầng chứa nước, dẫn đến suy giảm các nguồn nước trong các lưu vực sông.
Trước thực trạng nêu trên, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng những thách thức đối với môi trường nước các lưu vực sông đặt ra nhiều bài toán khó cho công tác quản lý, hài hòa lợi ích giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.
Hiện nay, hằng năm, các Ủy ban Lưu vực sông nhóm họp (do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh/thành phố luân phiên làm Chủ tịch Ủy ban Lưu vực sông) để đánh giá hiện trạng và bàn giải pháp bảo vệ môi trường các lưu vực sông; các tỉnh trên các lưu vực sông đều có chương trình hành động để bảo vệ môi trường lưu vực sông.
“Tuy vậy, tôi cho rằng, để bảo vệ môi trường lưu vực sông, về tổng thể cần rà soát, bổ sung và hoàn thiện chính sách, pháp luật và thể chế về bảo vệ môi trường nước lưu vực sông; điều chỉnh phân công, phân nhiệm, củng cố hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường nước. Trong đó, phải tìm ra mô hình tổ chức quản lý lưu vực sông phù hợp, hội tụ đủ sức mạnh, nguồn lực và sự đồng thuận của cả cộng đồng,” Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nói.
Bên cạnh đó, ông Nhân cũng kiến nghị cần xây dựng và đẩy mạnh triển khai thực hiện quy hoạch lưu vực sông, quy hoạch phân vùng, khai thác sử dụng nước; tăng cường các hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường nước, thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường nước; thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế trong quản lý và bảo vệ môi trường nước, đặc biệt, đối với vấn đề xuyên biên giới…
Đặc biệt là cần ưu tiên giải quyết triệt để những điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước lưu vực sông; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải; phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả nhằm giảm thiểu tối đa các sự cố ô nhiễm môi trường nước. Ngoài ra, cần sớm xây dựng và vận hành hệ thống trạm, điểm quan trắc môi trường nước tại các khu vực giáp ranh với các quốc gia lân cận…