Theo dõi sức khỏe phổi của 7.071 người trưởng thành từ 45 đến 84 tuổi sống ở 6 thành phố của Mỹ, các nhà khoa học đã thực sự kinh ngạc khi thấy ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm ozone (O3), ảnh hưởng quá mạnh đến tốc độ phát triển bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (chronic obstructive pulmonary disease).
Theo jamanetwork.com, tình trạng ô nhiễm không khí – đặc biệt là ô nhiễm ozone (O3), đang gia tăng cùng với biến đổi khí hậu – có thể tăng tốc bệnh phổi giống như hút một gói thuốc lá mỗi ngày.
Đây là kết luận của một nhóm khoa học quốc tế, bao gồm cả các nhà khoa học ở Đại học Columbia, Đại hoc Buffalo do các nhà nghiên cứu từ Đại học Washington, Mỹ, phụ trách. Họ đã tiến hành một công trình nghiên cứu lớn nhất về ô nhiễm không khí và bệnh phổi, khi các nhà khoa học trong 18 năm đã phân tích những thay đổi về tình trạng sức khỏe của trên 7.000 người.
Họ đã cố gắng tìm hiểu ảnh hưởng của 4 chất gây ô nhiễm chính ảnh hưởng đến sức khỏe phổi ở 7.071 người trưởng thành từ 45 đến 84 tuổi sống ở 6 thành phố của Mỹ bao gồm Chicago, Winston-Salem (North Carolina), Baltimore, Los Angeles, St. Paul (Minnesota) và New York. Các nhà nghiên cứu đánh giá thông qua hình ảnh chụp cắt lớp (CT) và chức năng phổi của những người tham gia nghiên cứu. Họ đi đến kết luận rằng suy giảm chức năng phổi đã được quan sát ngay cả ở những người chưa bao giờ hút thuốc, và có thể giúp giải thích tại sao những người không hút thuốc cũng hay mắc chứng khí phế thũng (emphysema).
Nhà nghiên cứu Joel Kaufman ở Đại học Washington khẳng định rằng tốc độ phát triển các bệnh phổi mạn tính tăng lên trên khắp thế giới; và bây giờ, khoa học biết rằng sự tăng tốc đó diễn ra ở cả những người không bao giờ hút thuốc. Các nhà nghiên cứu đã thực sự kinh ngạc khi thấy ô nhiễm không khí ảnh hưởng quá mạnh đến tốc độ phát triển bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (chronic obstructive pulmonary disease). Ô nhiễm không khí ảnh hưởng không kém gì thuốc lá vốn được coi là nguyên nhân chính gây căn bệnh phổi này.
Trước đó, đã có báo cáo rằng chương trình được chính phủ Trung Quốc thực hiện vào năm 2013 để giảm nồng độ các chất có hại trong không khí đã không thu được hiệu quả. Mặc dù thực tế là nồng độ các hạt mịn (PM 2.5) nguy hiểm cho con người đã giảm 40% trong 5 năm, nhưng lượng ozone không kém nguy hiểm đã tăng lên.