Dọc theo bờ biển từ xã Bình Kiến, An Phú (TP Tuy Hòa) rồi qua xã An Hải, An Ninh Đông (huyện Tuy An), hàng trăm hecta cây phi lao (còn gọi là cây dương) trồng rừng chống biến đổi khí hậu bị khô héo.
Tại xã An Ninh Đông, những cây phi lao lớn ước hàng chục năm tuổi không chịu nổi nắng nóng đã chết khô. Còn tại tiểu khu 228 (TP Tuy Hòa), có hơn 40 ha rừng do Công ty TNHH Nông Lâm Kim Sơn quản lý đã chết tới 70% diện tích.
Ông Võ Văn Diện, cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Nông Lâm Kim Sơn, cho biết, hầu hết diện tích rừng phòng hộ này không có khả năng phục hồi. Nguyên nhân một phần là do nắng hạn; phần khác do các hồ nuôi tôm bơm nước ngọt ra để trung hòa độ mặn cho hồ nuôi nên mạch nước ngầm xuống thấp dẫn đến cây chết. Hiện tại công ty và BQL dự án tập trung bảo vệ, không cho người dân đến gần vì sợ gây cháy rừng. Bây giờ chỉ mong sao trời mưa sớm thì may ra “cứu” được rừng.
Theo Ban điều hành dự án trồng rừng ven biển Phú Yên, trong hơn 460 ha rừng phòng hộ trồng mới và trồng bổ sung giai đoạn 2015 – 2019, đã có 189ha chết trắng do nắng hạn. Đối với những diện tích còn lại cũng đang có hiện tượng khô héo, mất sức sống. Ông Nguyễn Ngọc Châu, Trưởng ban cho biết, khả năng rừng có phục hồi lại hay không phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Bên cạnh đó, điều lo ngại nhất là việc cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Hiện nay thời tiết của tỉnh Phú Yên nắng nóng vẫn kéo dài kết hợp với mùa Tây Nam thổi mạnh, không chỉ khiến cho các diện tích rừng phòng hộ ven biển bị chết mà còn có hàng nghìn hecta rừng trồng (chủ yếu là cây keo lai) bị khô, héo, nguy cơ cháy rất cao. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên trong 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 16 vụ cháy rừng làm thiệt hại gần 300ha rừng.