Mới đây, ê-kíp của chương trình “Cuộc đua kỳ thú” đã phải gửi lời xin lỗi đến khán giả khi trong chương trình phát sóng gần đây nhất của mình, “để bảo đảm có thể mang đến những hình ảnh quay phim thực tế nhất và thí sinh quan sát dễ hơn”, ê-kíp đã cho đặt khung sắt và một số khối bê-tông lên rạn san hô.
Dù lời xin lỗi đưa ra kịp thời, xoa dịu phần nào bức xúc của khán giả nhưng một lần nữa đặt lại vấn đề cách ứng xử của người làm chương trình giải trí trước thiên nhiên. Dẫu biết rằng áp lực sáng tạo để nghĩ ra những ý tưởng hấp dẫn, thu hút khán giả xem chương trình là rất lớn nhưng bên cạnh việc “mua vui” cho khán giả, nhà sản xuất và nhất là những người thực hiện chương trình phải chú trọng hơn đến việc duy trì thiện cảm của công chúng đối với chương trình của mình.
Tháng trước, chính “Cuộc đua ký thú” cũng bị khán giả lên tiếng không hài lòng vì cho là “ngược đãi động vật” khi các đội chơi bắt trói các chú lợn tại làng văn hóa dân tộc Mông ở xã Pả Vi để thực hiện nhiệm vụ trang trí cho chúng. Chính Ngọc Anh, quán quân “Cuộc đua ký thú” năm 2015, đã lên tiếng bức xúc trên trang cá nhân về những hình ảnh “không đẹp” xuất hiện trên chương trình năm nay.
Còn nhớ tháng 7 năm nay, nữ diễn viên Hàn Quốc Lee Yeol Eum bị một phen khiếp vía khi trong buổi ghi hình chương trình “Luật rừng” (Law of the Jungle) ở Vườn Quốc gia của tỉnh Trang thuộc miền Nam Thái Lan, cô đã bắt và ăn 3 con sò tai tượng mà không biết rằng mình phải đối mặt với án tù 4 năm, phải đóng khoản tiền phạt 40.000 baht (tương đương 1.300 USD) vì vi phạm luật bảo tồn động vật hoang dã.
Ngay sau khi tập phim “Lee Yeol Eum bắt sò” lên sóng, lập tức ông Narong Kongeiad, Giám đốc Vườn Quốc gia Hat Chao Mai, thông báo đã nộp đơn kiện cô, đồng thời buộc tội ê-kíp thực hiện chương trình “Luật rừng”. Dù chương trình có tuổi thọ 8 năm và được đông đảo khán giả Hàn Quốc cũng như quốc tế ưa thích nhưng nó vẫn vấp phải làn sóng kêu gọi tẩy chay, hủy vĩnh viễn từ chính khán giả quê nhà.
Thiết nghĩ, những chương trình truyền hình thực tế mang tính chất trải nghiệm và khám phá cũng không ngoài mục đích truyền tải đi thông điệp bảo vệ thiên nhiên ở những nơi mà họ thực hiện ghi hình, nên khi đưa lên sóng không chỉ có những thước phim đẹp về khung cảnh thiên nhiên mà còn biết truyền đi thông điệp nhắc nhở mọi người phải bảo vệ thiên nhiên vì cuộc sống của chúng ta hôm nay và cho nhiều thế hệ sau này.