Về giải pháp xây dựng đập dâng trên sông Hồng được GS Trần Đình Hòa đề xuất trong đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước và đã được nghiệm thu. Trong đó có 2 đập Xuân Quan và Long Tửu như báo Nông nghiệp việt Nam vừa phản ánh.
Việc nghiên cứu đề xuất các đập dâng trên sông Hồng và sông Đuống để nâng cao khả năng lấy nước phục vụ nông nghiệp trong giai đoạn mùa kiệt đã được nhiều người quan tâm và xem xét. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới chỉ đưa ra mặt tích cực phục vụ cho 3 hệ thống thủy nông lớn: Hệ thống sông Nhuệ, Bắc Đuống và Bắc Hưng Hải.
Với trình độ thiết kế, thi công hiện nay của ngành, việc xây dựng hai đập dâng để nâng cao đầu nước và không làm ảnh hưởng đến thoát lũ, giao thông thủy… là điều hoàn toàn khả thi.
Nhiệm vụ của các đập dâng nước là phục vụ đa mục tiêu:
– Đảm bảo dâng nước cho các công trình thủy lợi dọc sông có thể lấy được nước, kể cả trong trường hợp các hồ chứa xả nước bình thường.
– Làm sống lại các con sông trong các hệ thống của vùng đồng bằng Bắc Bộ, như sông Đáy, sông Tích, sông Nhuệ, sông Bắc Hưng Hải, sông Ngũ Huyện Khê, sông Cà Lồ…
– Tạo cảnh quan cho các con sông, đặc biệt là sông Hồng đoạn qua thành phố Hà Nội.
– Không nên đưa nhiệm vụ pha loãng, làm sạch các con sông qua các khu đô thị, khu dân cư tập trung, mà việc giải quyết vấn đề ô nhiễm về lâu dài cần phải được xử lý trước khi xả ra các con sông. Nếu chỉ đưa vấn đề pha loãng mà không đề cập đến vấn đề xử lý thì có thể làm sạch các đoạn sông ở thượng lưu, nhưng lại đưa ô nhiễm từ thượng lưu về hạ lưu.
Thảo luận
Nhìn chung các nghiên cứu chưa đánh giá hết các tác động của việc xây dựng 2 công trình đập dâng đến những hệ thống thủy nông ở hạ du. Ngay hiện tại với khả năng bổ sung nguồn nước từ các nhà máy thủy điện thượng nguồn một số hệ thống lấy nước còn rất khó khăn như hệ thống Giao Thủy (vùng kẹp giữa sông Ninh Cơ và sông Hồng).
Báo cáo cũng chưa nêu được chi tiết quá trình vận hành từ khi mực nước chưa được điều tiết đến lúc bắt đầu điều tiết (đóng cửa cống) để dâng đến mực nước yêu cầu sẽ không có dòng chảy xuống hạ lưu sẽ tác động như thế nào với các hệ thống thủy nông bên dưới cũng như môi trường, sinh thái.
Nếu xây dựng đập dâng tạo điều kiện để tiết kiệm nước cho các hồ chứa thượng lưu tức là lượng xả bổ sung từ hồ chứa sẽ giảm đi so với hiện tại sẽ làm tăng nguy cơ thiếu hụt nước trong các hệ thống khác dưới hạ du, gia tăng xâm nhập mặn so với điều tiết như hiện tại.
Ngay hệ thống Bắc Hưng Hải với công lấy nước chính là cống Xuân Quan, khi nâng đủ mực nước thiết kế cũng chưa đảm bảo cung cấp đủ nước cho cả hệ thống (hiện tại vẫn phải lấy nước ngược từ cống Cầu Xe, An Thổ).
Việc điều tiết làm giảm lưu lượng phân sang sông Đuống cũng cần phải nghiên cứu kỹ vì lượng nước này là nguồn cung cấp cho toàn bộ 5 hệ thống thủy nông của Hải Phòng…
Cần xây dựng được mô hình thủy lực toàn bộ hệ thống sông Hồng – Thái Bình gắn kết các kênh mương trong các hệ thống thủy nông để có thể đánh giá cụ thể mặt tích cực khi nâng cao đầu nước do 2 công trình đến 3 hệ thống nêu trên cũng như khả năng suy giảm nguồn cung cho các hệ thống khác dưới hạ du sông Hồng – Thái Bình cũng như các tác động tiêu cực về môi trường, chất lượng nước, sinh thái…
Việc hạ thấp mực nước trên hệ thống sông Hồng là một vấn đề thực tiễn hiện nay, gây khó khăn cho việc cấp nước cho các ngành kinh tế (kể cả nông nghiệp, đô thị, sinh hoạt).
Giải pháp
Đã có nhiều giải pháp để ứng phó với việc hạ thấp mực nước như cải tạo các trạm bơm hiện có, xây dựng bổ sung các trạm bơm mới để có thể lấy được nước ở mực nước thấp. Giải pháp này dễ thực hiện, chi phí thấp, không gây tác động lớn đến dòng chảy của hệ thống (đặc biệt là các tác động tiêu cực).
Hiện tại, chỉ còn một số trạm bơm cần được tiếp tục xây dựng để ứng phó với việc hạ thấp mực nước, gồm Phù Sa, Ấp Bắc, Thanh Điềm (Hà Nội), Tri Phương (Bắc Ninh), Bạch Hạc, Đại Định (nâng công suất).
Tuy nhiên, giải pháp xây dựng trạm bơm chỉ có tác dụng cục bộ trong lưu vực cấp nước của từng trạm. Giải pháp xả nước gia tăng từ các hồ chứa thủy điện hiện nay cũng đang được áp dụng, tuy nhiên về mặt kinh tế thì giải pháp này hiệu quả thấp.
Đối với các đập dâng Xuân Quan, Long Tửu: Với cao trình +2,0m tại Long Tửu, +2,5m tại Xuân Quan có thể khẳng định đảm bảo cấp nước cho hệ thống Bắc Hưng Hải và hệ thống sông Ngũ Huyện Khê. Tuy nhiên, cần phải tính toán chi tiết thêm để đánh giá khả năng dâng nước khi xây dựng 2 đập đối với việc lấy nước của cống Liên Mạc (trên sông Nhuệ), cống Cẩm Đình trên sông Đáy. Đây là 2 con sông đóng vai trò quan trọng đối với thành phố Hà Nội và các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.
Ngoài ra, để đánh giá tính khả thi của việc xây dựng các đập dâng (bao gồm cả Xuân Quan và Long Tửu), cần tiếp tục tính toán, đánh giá các vấn đề sau:
– Tính toán, dự báo xói ở hạ du, bồi lắng ở thượng du các đập.
– Tính toán các tác động đối với giao thông thuỷ trên các tuyến sông.
– Tính toán, phân bổ nguồn nước cho các công trình lấy nước ở thượng lưu và hạ lưu sau khi công trình được xây dựng.
– Đánh giá tác động môi trường của việc xây dựng các đập.
– Nhu cầu về nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất, công nghiệp… hiện nay và tương lai thế nào?
– Cần xem xét đánh giá việc xây dựng các đập Xuân Quan, Long Tửu trong quy hoạch, chỉnh trị đoạn sông Hồng, sông Đuống đi qua thành phố Hà Nội.
Kết luận
Việc nghiên cứu, xây dựng các đập dâng nước dọc sông phục vụ đa mục tiêu, là cần thiết. Tuy nhiên, để có thể phát huy các tác động tích cực, hạn chế các tác động tiêu cực cần thiết phải có các nghiên cứu sâu hơn như đã nêu trên để trả lời các câu hỏi:
– Việc đề xuất 02 vị trí trên cần xem xét kỹ bởi lẽ đập dâng thường chỉ làm trên các hệ thống kênh, sông nhỏ nơi mà giao thông đi lại không có chỉ giữ nước, làm thay đổi sự trao đổi oxy phục vụ sinh thái, môi trường, đối với dòng chính chỉ làm khi bất đắc dĩ mới phải làm do mức độ ảnh hưởng về sinh thái, môi trường, các quá trình thủy động lực, bùn cát rất lớn. Đồng thời 01 đập dâng không làm nâng nhiều về độ cao mực nước trước đập và do vậy việc giữ nước cho cả vùng lớn cần xem xét. Các nguy cơ bồi lắng, xâm nhập mặn… cần đánh giá kỹ.
Thường thì đập chỉ nên làm ở hạ lưu gần về cửa sông để giữ được lượng nước ngọt phía trên nhiều nhất, giảm mức độ xâm nhâp mặn mùa kiệt…Hệ thống các đập dâng như Nam Thạch Hãn (Quảng Trị), Thảo Long (Thừa Thiên Huế), Thạch Nham (Quảng Ngãi), Vân Phong (Bình Định), Phước Hòa (Bình Dương), Trà Sư – Tha La (An Giang), Lại Giang (Bình Định)… cần có đánh giá lại để làm cơ sở lựa chọn vị trí.
Cần làm Quy hoạch tài nguyên nước sông Hồng- Thái Bình, từ đó mới xem xét lựa chọn các giải pháp liên quan. Đồng thời, nếu nghiên cứu về đập dâng cũng phải có nghiên cứu kỹ hơn, kết nối lại toàn bộ hệ thống.