Kinhtedothi – Để có phương án quản lý rừng và đất lâm nghiệp bền vững, Sở TN&MT Hà Nội vừa có Công văn số 7141 đề nghị các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã có rừng thực hiện kiểm tra, rà soát toàn bộ hiện trạng rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn TP.
Công văn nêu rõ, ngày 27/6/2019, UBND TP có Văn bản số 2659/UBND-KT về tập trung chỉ đạo thực hiện kiểm tra, rà soát toàn bộ hiện trạng rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn TP, xây dựng, trình duyệt phương án quản lý rừng bền vững. Trong đó, giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã có rừng trên địa bàn TP tổ chức giao đất, giao rừng cho các tổ chức, cá nhân có đủ các điều kiện theo đúng quy định pháp luật, báo cáo UBND TP kết quả thực hiện theo đúng quy định.
Để có cơ sở thực hiện các nội dung theo chỉ đạo của UBND TP, Sở TN&MT đề nghị Sở NN&PTNT cho ý kiến về quy định của pháp luật và điều kiện giao rừng cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP.
UBND các huyện, thị xã có rừng rà soát hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn TP; thống kê cụ thể số lượng và diện tích đất theo từng thửa, đề xuất giải pháp báo cáo Sở NN&PTNT để chủ trì cùng Sở TN&MT thống nhất tham mưu dự thảo văn bản chỉ đạo của UBND TP.
Trên cơ sở kết quả rà soát và đề xuất của UBND các huyện, thị xã nơi có rừng, nội dung thực hiện của Sở NN&PTNT theo chỉ đạo của UBND TP tại Văn bản số 2659/UBND-KT, Sở TN&MT sẽ phối hợp cùng Sở NN&PTNT nghiên cứu, hướng dẫn các đơn vị thực hiện theo quy định, báo cáo UBND TP những nội dung vượt thẩm quyền (nếu có).
Sở TN&MT cũng nêu nguyên tắc là rừng sản xuất được giao cho các Liên hiệp lâm – nông – công nghiệp, Liên hiệp nguyên liệu giấy, gỗ mỏ, lâm trường, hợp tác xã, cơ quan, đơn vị khác và hộ gia đình để sản xuất, kinh doanh phải thực hiện chuyên canh, thâm canh, nông lâm kết hợp để tạo ra nhiều sản phẩm.
Đối với rừng giàu, rừng trung bình, khi khai thác lâm sản phải theo đúng quy hoạch, kế hoạch, phương án điều chế, thiết kế sản xuất, quy trình kỹ thuật và chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước giao hàng năm.
Đối với rừng nghèo, kiệt, phải nhanh chóng tu bổ, cải tạo để làm giàu rừng; những nơi đất trống, đồi núi trọc phải trồng rừng kịp thời theo đúng quy hoạch và bảo đảm mục đích kinh tế.
Đồng thời, để bảo đảm phát triển và bảo vệ rừng bền vững, các đơn vị và hộ gia đình được Nhà nước giao đất, giao rừng để sử dụng, kinh doanh đều phải tuân theo sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của cơ quan lâm nghiệp các cấp trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, chế độ, luật pháp của Nhà nước về lâm nghiệp.