Để giảm thiểu chất thải nhựa, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành chỉ thị về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành y tế, trong đó yêu cầu các cơ sở y tế phải xây dựng lộ trình giảm thiểu chất thải nhựa.
Thông tin đến các cơ quan báo chí ngày 12/8 tại Hà Nội, đại diện Bộ Y tế cho biết ngày 16/8 sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến tại Trung ương và 63 điểm cầu trên cả nước để triển khai giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành y tế.
Hội nghị có sự tham gia đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP).
Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế)Nguyễn Thanh Hà cho biết Việt Nam được nhận định là một trong những nước có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa cao trên thế giới. Thói quen sử dụng đồ nhựa đã tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống và đặc biệt là sức khỏe con người, sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Ngành y tế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân cũng làm phát sinh chất thải nhựa. Tính ưu việt của các sản phẩm nhựa dùng một lần như bơm kim tiêm, dụng cụ thiết bị dùng một lần trong phẫu thuật, xét nghiệm như găng tay vô trùng, chai, lọ, ống đựng bệnh phẩm… đã góp phần loại trừ, giảm thiểu nhiều nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo các hoạt động chuyên môn y tế được thực hiện đúng theo quy định, đặc biệt những công việc đòi hỏi nghiêm ngặt về vô trùng, an toàn, an ninh sinh học. Nhưng cũng có nghĩa là chủng loại và khối lượng chất thải nhựa trong y tế là không nhỏ. Báo cáo nhanh từ một số bệnh viện cho thấy, có khoảng 5% trong số chất thải y tế là nhựa…
Để giảm thiểu chất thải nhựa, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành chỉ thị về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành y tế. Trong đó, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế phải xây dựng kế hoạch, mục tiêu, lộ trình giảm thiểu chất thải nhựa từ hoạt động chuyên môn y tế, sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, người nhà, nhân viên y tế.
Các đơn vị y tế cũng cần phân loại triệt để chất thải nhựa, nylon khó phân hủy để thu gom, tái chế; phấn đấu tiến đến chấm dứt việc sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần có thể thay thế và nilon khó phân hủy…
Ngành y tế cần tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống, các vật dụng, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất làm từ vật liệu thân thiện với môi trường, hoặc có thể tái sử dụng trong quá trình khám, chẩn đoán, điều trị, trong hoạt động nghiên cứu, kiểm nghiệm, kiểm định và các hoạt động chuyên môn y tế nhằm giảm phát sinh chất thải nhựa.
Tại một số bệnh viện lớn, Sở Y tế và các cơ sở y tế địa phương đã sớm tổ chức các hoạt động giảm thiểu chất thải nhựa như hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng làm từ nhựa dùng một lần hoặc nylon khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế; thay thế bằng các vận dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng…