Đại diện ENV cho rằng, việc tiêu hủy ngà voi cần trở thành một thông lệ, các cơ quan chức năng chỉ nên giữ lại một số lượng nhỏ mẫu vật để phân tích ADN, phục vụ giáo dục, hay nghiên cứu khoa học.
Hưởng ứng Ngày Voi thế giới 12/8, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã kiến nghị tiêu hủy hàng chục tấn ngà voi cùng tang vật từ các vụ bắt giữ trong 10 năm qua để khẳng định quyết tâm lâu dài của Việt Nam trong “cuộc chiến chống tội phạm về voi.”
Theo đánh giá của ENV, thời gian qua, công tác đấu tranh xử lý tội phạm và tiêu hủy tang vật về ngà voi tại Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định, thể hiện quyết tâm không khoan nhượng với các vi phạm về voi mà còn góp phần vào “tuyên ngôn chung” bảo vệ loài voi của hàng chục quốc gia trên thế giới.
Một trong những một bước tiến tích cực thể hiện cam kết của Việt Nam trong công tác bảo vệ động vật hoang dã là việc tiêu hủy 2,1 tấn ngà voi cùng hàng trăm kg sừng tê giác tại Hà Nội vào tháng 11/2016. Sau sự kiện này, đầu năm 2017, cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai cũng đã tiêu hủy 43 chiếc ngà voi…
“Tuy nhiên, so với khối lượng hơn 53 tấn ngà voi đang được thu giữ trong 10 năm qua, từ năm 2010-2018 và đang tiếp tục tăng theo cơ sở dữ liệu vi phạm về động vật hoang dã của ENV, thì số lượng những vụ tiêu hủy ngà voi ở Việt Nam còn chưa tương xứng,” thông tin từ ENV nhấn mạnh.
Có thể nói, sự kiện tiêu hủy tập trung 2,1 tấn ngà voi cuối năm 2016 là một sự khởi đầu đáng tự hào. Vì vậy, hoạt động tiêu hủy ngà voi cần trở thành một thông lệ và được tiếp nối bằng các hành động quyết tâm tiếp theo để tránh dư luận cho rằng sự kiện này chỉ có ý nghĩa “phô diễn” trước thềm một sự kiện quốc tế quan trọng.
Theo quan điểm của ENV, việc thu giữ ngà voi chưa phải là đích đến cuối cùng của mỗi vụ bắt giữ. Minh chứng là, chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 tới nay, ENV đã ghi nhận nhiều vụ vận chuyển trái phép ngà voi, sừng tê giác và các sản phẩm động vật hoang dã qua các sân bay, hải cảng với tổng khối lượng tang vật bị thu giữ lên đến hàng chục tấn.
Chỉ riêng tại thành phố Hải Phòng, từ năm 2013 đến nay, Cục Hải quan Hải Phòng đã bắt giữ và tịch thu hơn 15.470 kg ngà voi. Trong đó, từ đầu năm 2019 đến nay, Cục Hải quan Hải phòng đã bắt giữ hơn 4.078 kg ngà voi.
Theo Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV, trong bối cảnh Việt Nam bị cộng đồng quốc tế đánh giá vừa là thị trường tiêu thụ và địa bàn trung chuyển ngà voi, việc xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội và tiêu hủy ngà voi sẽ khẳng định quyết tâm triệt phá các đường dây tội phạm buôn bán ngà voi trái phép của Việt Nam.
Vụ án hai đối tượng lợi dụng chức vụ được giao quản lý kho tang vật ngà voi để chiếm đoạt 239,57 kg ngà voi và 6,14 kg sừng tê giác nhằm thu lời bất chính lên đến 3 tỷ đồng do Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội xét xử vào tháng 8/2018, hay vụ trộm hơn 100 kg ngà voi trị giá 5 tỷ đồng là tang vật được cất giữ trong kho của Chi cục thi hành án thành phố Vinh, xảy ra cuối năm 2013 là những hồi chuông cảnh báo cho thấy rủi ro của việc lưu giữ một số lượng lớn tang vật ngà voi, sừng tê giác thu giữ trong các vụ vi phạm.
Như vậy, việc tiêu hủy các tang vật là ngà voi và sừng tê giác không chỉ góp phần quan trọng trong việc triệt phá các đường dây tội phạm mà còn ngăn chặn tình trạng lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt các tang vật này. Đồng thời, việc tiêu hủy ngà voi và sừng tê giác sẽ giúp giảm thiểu hàng chục tỷ đồng chi phí hàng năm cho việc lưu giữ tang vật.
Vì thế, Phó Giám đốc ENV kiến nghị việc tiêu hủy ngà voi cần trở thành một thông lệ. Các cơ quan chức năng chỉ nên giữ lại một số lượng nhỏ mẫu vật ngà voi và sừng tê giác với mục đích phân tích ADN, phục vụ giáo dục đào tạo, hay nghiên cứu khoa học.