Hầu hết các cuộc thảo luận về hành động khí hậu thường chỉ tập trung vào năng lượng, công nghiệp và giao thông, tuy nhiên, Báo cáo đặc biệt của Uy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) công bố ngày 8/8/2019 khẳng định đất đai cũng quan trọng không kém, xét cả trong vai trò là một nguồn phát thải khí nhà kính và giải pháp cho vấn đề biến đổi khí hậu.
Đất đai cô lập gần 1/3 lượng phát thải CO2 do con người gây ra, do đó không thể hạn chế nhiệt độ tăng trong mức an toàn nếu không thay đổi cách thế giới sản xuất lương thực và quản lý đất đai. Muốn thay đổi, cần lưu ý 7 vấn đề sau:
1. Cách chúng ta sử dụng đất đang làm biến đổi khí hậu tệ hơn
Khoảng 23% lượng phát thải nhà kính do con người gây ra trên toàn cầu đến từ nông nghiệp, lâm nghiệp và các mục đích sử dụng đất khác. Thay đổi mục đích sử dụng đất, như phá rừng để chăn nuôi, làm tăng phát thải. Ngoài ra, 44% khí metan do con người gây ra gần đây – một loại khí nhà kính mạnh – đến từ nông nghiệp, phá hủy đất than bùn và các nguồn dựa vào đất đai.
2. Nhưng đất cũng là bể chứa các-bon cực lớn
Mặc dù nạn phá rừng và tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất ngày càng gia tăng, song các vùng đất trên thế giới đang giúp loại bỏ lượng khí thải nhiều hơn mức phát thải. Từ năm 2007 đến 2016, mỗi năm đất đai loại bỏ 6 nghìn tỷ tấn CO2, tương đương với lượng phát thải khí nhà kính hàng năm của Mỹ. Tuy nhiên, nạn phá rừng và suy thoái đất đai nếu tiếp tục gia tang sẽ bào mòn bể chứa các-bon này.
3. Đất đai giúp ổn định khí hậu nhưng đang bị biến đổi khí hậu làm cho thay đổi
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng nhiệt độ đất tăng 1,5˚C trong khoảng thời gian 1850-1900 và 2006-2015, cao hơn 75% mức trung bình toàn cầu (yếu tố thay đổi nhiệt độ gồm trên cả đất liền và đại dương). Hiện tượng nóng lên này gây ra những tác động tàn phá với đất đai như: cháy rừng, thay đổi lượng mưa và sóng nhiệt. Các tác động hơn nữa sẽ làm giảm khả năng đất đai hoạt động như một bồn chứa các-bon. Ví dụ, thiếu nước có thể biến các khu rừng thành các điều kiện tự nhiên như xavan, ảnh hưởng đến khả năng cô lập các-bon, chưa kể việc gây hại cho các dịch vụ hệ sinh thái và động vật hoang dã.
Báo cáo IPCC phát hiện ra rằng “cánh cửa cơ hội – thời kỳ có thể tạo ra thay đổi quan trọng – để hạn chế biến đổi khí hậu trong phạm vi có thể chấp nhận được đang hẹp lại nhanh chóng”.
4. Một số giải pháp khí hậu dựa vào đất có thể giúp giảm phát thải và/hoặc loại bỏ các-bon
Tiềm năng lớn nhất để giảm phát thải từ lĩnh vực đất đai là ngăn chặn nạn phá rừng và suy thoái rừng với phạm vi từ 0,4 – 5,8 tỷ tấn CO2 mỗi năm. Ngoài ra, chúng ta cũng cần thay đổi trên quy mô lớn đối với cách thế giới sản xuất và tiêu thụ thực phẩm, bao gồm các phương thức canh tác, chuyển sang chế độ ăn nhiều thực vật, giảm phế thải thực phẩm và nông nghiệp.
Ngoài giảm khí thải, lĩnh vực đất đai cũng có thể giúp loại bỏ CO2 khỏi khí quyển. Báo cáo cho thấy trồng rừng và tái trồng rừng có tiềm năng loại bỏ các-bon lớn nhất, tiếp theo là tăng cường các-bon trong đất và sử dụng năng lượng sinh học kết hợp với thu hồi và lưu trữ các-bon (BECCS) – một quá trình sử dụng sinh khối làm năng lượng rồi sau đó thu giữ và lưu trữ các-bon trước khi nó được giải phóng trở lại bầu khí quyển. Các tác giả lưu ý rằng hầu hết các ước tính không tính đến các trở ngại như cạnh tranh đất đai và mối quan tâm đến tính bền vững, vì vậy những giải pháp tiềm năng loại bỏ các-bon này trên thực tế có thể thấp hơn đáng kể so với hầu hết các mô hình đề xuất.
5. Nhiều giải pháp khí hậu dựa vào đất đai có những lợi ích quan trọng ngoài việc kiềm chế biến đổi khí hậu
Báo cáo cho thấy các giải pháp sau đây có những đồng lợi ích lớn nhất: quản lý rừng, giảm nạn phá rừng và suy thoái rừng, tăng hàm lượng các-bon hữu cơ trong đất, thúc đẩy phong hóa khoáng sản (quá trình tăng tốc phân hủy đá để tăng hấp thụ các-bon), thay đổi chế độ ăn uống, giảm tổn thất thực phẩm và giảm phế thải. Ví dụ, tăng lưu trữ các-bon trong đất không chỉ giúp cô lập khí thải mà còn khiến cây trồng chống chịu tốt hơn với biến đổi khí hậu, cải thiện sức khỏe của đất và tăng năng suất cây trồng.
6. Một số giải pháp khí hậu dựa vào đất đai có những rủi ro và đánh đổi đáng kể, cần được theo đuổi một cách thận trọng
Với mỗi giải pháp, điều quan trọng là phải xem xét lợi ích các-bon ròng của bất kỳ sự can thiệp nào, ví dụ trồng rừng trên đồng cỏ bản địa sẽ làm giảm lượng các-bon được lưu trữ trong đất và ngăn trở một bồn chứa các-bon quan trọng.
Một số can thiệp có thể làm giảm phát thải nhưng gây ra những thay đổi khác làm tăng nhiệt độ. Ví dụ, trồng một khu rừng thường xanh lá rộng ở vĩ độ cao sẽ dẫn đến các bề mặt tối hơn, đặc biệt là vào mùa đông khi tuyết phủ, do đó làm tăng hấp thụ bức xạ mặt trời, giống như thay đổi từ áo trắng sang áo tối màu vào một ngày nắng. Trồng một số loài cây hoặc thực vật nhất định có thể đe dọa các loài và hệ sinh thái khác.
Và hầu hết các bồn chứa các-bon sinh học cuối cùng sẽ đạt đến điểm bão, tức là không thể hấp thụ thêm các-bon. Ngoài ra, việc hấp thụ các-bon trong tương lai của rừng không được đảm bảo vì cháy rừng và sâu bệnh có khả năng gia tăng trong một thế giới ấm hơn.
7. Các giải pháp khí hậu dựa vào đất đai đòi hỏi diện tích lớn, có thể đe dọa an ninh lương thực và làm trầm trọng thêm các vấn đề môi trường
Những nỗ lực giảm phát thải và loại bỏ các-bon dựa vào đất đai đòi hỏi diện tích đất lớn, ví dụ, trồng rừng quy mô lớn và trồng cây để lấy năng lượng sinh học sẽ cạnh tranh với các mục đích sử dụng đất khác như sản xuất lương thực. Điều này có thể làm tăng giá lương thực, ô nhiễm nguồn nước, tổn hại đa dạng sinh học và dẫn đến việc chuyển đổi nhiều rừng hơn sang các mục đích sử dụng đất khác, do đó làm tăng phát thải.
Hơn nữa, Báo cáo cho thấy nếu thế giới không giảm được phát thải trong các lĩnh vực khác như năng lượng và giao thông, chúng ta sẽ cần phải phụ thuộc nhiều hơn vào các giải pháp đất đai, làm trầm trọng thêm áp lực lên môi trường và lương thực.
Học hỏi từ Báo cáo đất đai của IPCC
Có lẽ cái nhìn bao quát nhất từ Báo cáo của IPCC là xem sử dụng đất và ổn định khí hậu là một hành động cân bằng tinh tế: thực hiện đúng có thể giảm phát thải trong khi tạo ra các đồng lợi ích đáng kể; thực hiện sai có thể thúc đẩy biến đổi khí hậu khi làm trầm trọng thêm vấn đề mất an ninh lương thực và môi trường.
Báo cáo Tài nguyên Thế giới gần đây của Viện Tài nguyên thế giới đưa ra 22 giải pháp để tạo ra các hệ thống lương thực và đất đai bền vững hơn. Chúng ta có thể nuôi sống thế giới trong khi kiềm chế được biến đổi khí hậu, bảo vệ rừng và các nền kinh tế đang phát triển, tuy nhiên, chúng ta không thể làm được điều đó theo cách mà chúng ta đang làm.