Tranh cãi “thủ phạm” chính khiến đập dâng Ngàn Trươi biến đổi màu

Theo kết quả phân tích bước đầu của tổ công tác UBND tỉnh Hà Tĩnh, nguyên nhân gây nên hiện tượng nước đập dâng hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang chuyển màu nâu đỏ là do hàm lượng sắt khá cao từ đập chính Ngàn Trươi và Khe Trươi chảy xuống.

Ở chiều ngược lại, các nhà khoa học và một số cơ quan chuyên ngành cho rằng công bố của tổ công tác tỉnh Hà Tĩnh không đủ tin cậy về mặt khoa học, cần thiết mời một đơn vị trung lập vào cuộc.

Quan điểm còn khác nhau

Cuộc họp chiều muộn ngày 8/8 của tỉnh Hà Tĩnh để nghe báo cáo bước đầu về “thủ phạm” gây nên hiện tượng nước đập dâng Ngàn Trươi (huyện Vũ Quang) chuyển màu… nước mắm mặc dù chỉ mời báo và đài truyền hình Hà Tĩnh. Tuy nhiên, do vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, hàng chục phóng viên các báo, đài Trung ương đóng trên địa bàn đã có mặt, đưa tin về vụ việc

GS.TS Hà Văn Khối và các nhà khoa học nhận định, NM sắt Vũ Quang là thủ phạm chính gây nên hiện tượng nước đập dâng biến đổi màu.

Tại đây, ông Hồ Huy Thành, Giám đốc Sở TN-MT Hà Tĩnh cho hay, kết quả phân tích bước đầu của tổ công tác tỉnh Hà Tĩnh xác định: “Nguyên nhân nước đập dâng Ngàn Trươi (Vũ Quang) chuyển màu là do trong nước tồn tại hàm lượng sắt khá cao từ hồ Ngàn Trươi (đập chính) và Khe Trươi chảy xuống, lắng đọng trước đập dâng. Khi xả nước hồ Ngàn Trươi về cuộn lên lớp lắng đọng gây màu”.

Theo báo cáo của Sở TN-MT Hà Tĩnh, tại khu vực lòng hồ đập chính, các tài liệu về địa chất khoảng sản lưu giữ tại Sở TN-MT thì khu vực lòng hồ đập chính (xã Hương Quang) có các điểm chứa quặng Pirit (FeS­2 – có chứa hàm lượng sắt và lưu huỳnh cao), phân bố trong đá phiến sét, phiến sét than.

Tại xã Hương Điền có có quặng Pirit xâm tán trong các mạch thạch anh có chứa quặng vàng. Đáy lòng hồ chứa nhiều quặng Pirit, trong điều kiện yếm khí thì các vi sinh vật yếm khí sẽ chuyển hóa sắt tồn tại trong đất, xác thực vật thành dạng Fe (II) hòa tan trong nước.

Nước từ đáy hồ chảy xuống đập dâng chứa nhiều Fe (II) khi tiếp xúc nhiều oxy trong nước, trong không khí chuyển hóa thành Fe (III) bền vững, hydroxit và một số muối Fe (III) hầu hết không tan, một phần kết tủa lên hai bờ của đập, kênh dẫn và lắng xuống lòng đập dâng có màu cam, đỏ, nâu xỉn, phần còn lại là các muối và phức tan trong nước.

Hàm lượng sắt tại khu vực Khe Trươi cao là do xung quanh công trình thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang (phạm vi 5 xã) nhưng có đến 6 mỏ quặng sắt tự nhiên ở Xuân Mai – xã Xuân Trường (Hương Sơn); Hòn Bàn, Hói Trươi – xã Sơn Thọ và các xã Hương Đại, Hương Minh, Hương Thọ (huyện Vũ Quang).

“Mỏ Hòn Bàn nằm trên đường Hồ Chí Minh, khi có mưa nước mang theo sắt chảy về Khe Trươi, chảy xuống đập dâng. Đặc biệt, Nhà máy chế biến quặng sắt Vũ Quang khi mưa cũng mang theo hàm lượng sắt ở khu vực nhà máy xuống Khe Trươi chảy xuống đập dâng”, báo cáo của tổ công tác kết luận.

Ông Hồ Huy Thành cho rằng, nước đập dâng đổi màu do đập chính và nguồn từ Khe Trươi.

Liên quan đến mùi nước hôi tanh, theo tổ công tác tỉnh Hà Tĩnh nguyên nhân là do khí sinh ra trong quá trình phân hủy yếm khí ở tầng đáy như: Sunfua, ammoniac… ở điều kiện pH thấp tồn tại ở dạng ion hòa tan, khi chuyển qua đập dâng do điều kiện pH, DO tăng cao nên chuyên sang dạng khí Sunfua, ammoniac hòa tan trong nước, khi nhiệt độ tăng thì bay hơi và phát tán vào môi trường không khí gây mùi.

Trái ngược với thông tin Tổ công tác tỉnh Hà Tĩnh đưa ra, ông Hoàng Xuân Thịnh, Giám đốc BQL dự án Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 4 (Ban 4) phủ nhận việc kết luận nguyên nhân khiến nước đập dâng đổi màu là do đập chính Ngàn Trươi.

Theo ông Thịnh, tuy thông số quan trắc nước tầng giữa và đáy đập chính vượt ngưỡng cột B1/QCVN 08-MT:2015/BTNMT một số thông số nhưng cái này không phải tác nhân chính dẫn đến nước đập dâng biến đổi màu.

“Nếu do hồ thì đập dâng phải biến đổi màu từ đợt xả nước đầu tiên (tháng 12/2018) và phải biến đổi từ từ. Còn đây, đến giữa tháng 5/2019 mới biến đổi đột ngột. Nguồn Khe Trươi còn nhà máy quặng sắt tồn 8 vạn tấn nghiền thành cám không được che đậy, không có tường bao quanh, bây giờ bị thu hẹp dòng chảy nên khi gặp đợt mưa lớn đã đổ về lòng đập dâng lưu lượng lớn. Tôi cho rằng đây là tác nhân chính gây hiện tượng biến đổi màu”, ông Thịnh nói.

Đề xuất về giải pháp, phía Ban 4 tiếp tục đề nghị xả kiệt đập dâng để thau rửa trầm tích lòng đập; đồng thời, mời các nhà khoa học vào cuộc phân tích các thông số một cách khách quan, tạo sự đồng nhất trong số liệu. Còn Tổ công tác của tỉnh lại đề nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo Ban 4 tiếp tục chặt cây, dọn lòng hồ.

Cuộc họp thu hút sự quan tâm của rất đông cơ quan báo chí.

Ông Nguyễn Hải Thanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ NN-PTNT) cũng đồng tình, đề nghị tỉnh Hà Tĩnh mời một đơn vị trung lập, không phải của Bộ NN-PTNT, không phải của Ban 4 hay của Sở TN-MT để làm rõ nguyên nhân, có như vậy mới có thể đạt được một thông số thống nhất.

“Hồ Ngàn Trươi là tài nguyên nước cực kỳ to lớn, trọng điểm quốc gia nên việc đánh giá phải hết sức thận trọng. Tổ công tác của tỉnh cần xem xét lại quy trình thực hiện nhiệm vụ, việc phân công Tổ trưởng phụ trách phải là lãnh đạo tỉnh”, ông Thanh nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Hải Thanh, để công trình Ngàn Trươi – Cẩm Trang vận hành đảm bảo, đề nghị UBND tỉnh chuyển hồ sơ, tài liệu của các đơn vị có đường dẫn nước qua đập dâng và đập chính Ngàn Trươi cho Bộ quản lý. Trước mắt là 2 bộ hồ sơ của NM tuyển quặng sắt Vũ Quang và Cty gỗ MDF Thanh Thành Đạt.

Ông Nguyễn Hải Thanh đề nghị Hà Tĩnh chuyển hồ sơ Nhà máy quặng sắt Vũ Quang và Cty gỗ MDF Thanh Thành Đạt cho Bộ NN-PTNT để Bộ giám sát nguồn nước đổ xuống đập dâng.

Kết luận cuộc họp, ông Lê Đình Sơn, Bí Thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh khẳng định, nguyên nhân gây đỏ màu nước là do Fe (III). Còn các nguồn có khả năng gây ra hiện tượng này là từ đập chính (hồ Ngàn Trươi), Khe Trươi và có thể tồn tại ngay chính tại đập dâng. Tuy nhiên, hiện nay việc xác định Fe (III) từ đâu thì còn nhiều ý kiến khác nhau.

“Sắp tới chúng tôi sẽ kiện toàn lại Tổ công tác của tỉnh, mời một Cục trưởng phía Bộ TN-MT; tham vấn các chuyên gia do UBND tỉnh và Bộ NN-PTNT thống nhất quyết định. Tiếp tục lấy mẫu, đặc biệt ở khu vực Khe Trươi. Đồng thời, giao Trung tâm kiểm soát bệnh tật quan trắc mẫu nước 100% để đảm bảo nước sạch cho nhân dân sử dụng”, Bí thư tỉnh Hà Tĩnh nói.

Không tiến hành điều tra địa chất khu vực lòng hồ ở tỷ lệ lớn!

Việc xác định hàm lượng sắt trong lòng hồ đập chính vượt ngưỡng khiến dư luận đặt câu hỏi: Vì sao không điều tra địa chất trước khi đề xuất xây dựng dự án?

Tổ công tác tỉnh Hà Tĩnh xác định hàm lượng sắt đập chính cao.

Thực tế điều tra của NNVN cho thấy, từ năm 2004 – 2008, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ TN-MT) và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức các cuộc điều tra, thăm dò địa chất khu vực lòng hồ để làm cơ sở đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án.

Tại mục 2.1.4.5, Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang của Bộ TN-MT khẳng định: “Khoáng sản trong vùng lòng hồ với khả năng giữ nước đến cao trình +52 theo công văn 1833 CV/ĐCKS-ĐC ngày 21/12/2004 của Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chưa phát hiện được khoáng sản có giá trị cao”.

Trước đó, công văn 1833 ngoài việc thông báo khu vực lòng hồ Ngàn Trươi “chưa phát hiện được khoáng sản có giá trị cao”, còn có đề xuất cơ quan chức năng “cần thiết phải điều tra địa chất khoáng sản trên diện tích vùng ngập nước và vùng kế cận của hộ ở tỷ lệ 1:50.000 và lớn hơn”.

Trong khi kết quả điều tra địa chất của Bộ TN-MT…

Tuy nhiên, có vẻ Hà Tĩnh “nóng lòng” chờ đợi một công trình trọng điểm quốc gia nên ngày 19/8/2008 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Kỳ đã phát đi văn bản 2192 “Đề nghị Bộ TN-MT không không tiến hành điều tra địa chất khu vực lòng hồ ở tỷ lệ lớn hơn và có ý kiến để dự án sớm được phê duyệt và triển khai thực hiện”.

Văn bản của UBND nêu: Trên khu vực lòng hồ Ngàn Trươi – Cẩm Trang phát hiện 1 điểm vàng sa khoáng Khe Tro, xã Hương Điền (huyện Vũ Quang) có chiều dài 2.000m, rộng 200-375m; phân tích hàm lượng vàng từ 0,36g/m3 – 0,67g/m3; tài nguyên dự báo cấp P2 = 53kg.

Điểm vàng sa khoáng này nằm trong khu vực lòng hồ và đã bị dân đãi đào từ trước năm 1995. Ngoài ra điểm vàng gốc cũng thuộc xã Hương Điền và khu vực phía Đông Bắc – Tây Nam khu vực gần lòng hồ phát hiện 3 vành phân tán vàng và 1 vành phân tán casiterit bạc thấp, không có triển vọng và không nằm trong vùng ngập lòng hồ.

“Theo tài liệu điều tra mới nhất của ngành địa chất, trong khu vực lòng hồ Ngàn Trươi – Cẩm Trang chỉ có điểm khoáng hóa vàng sa khoáng, UBND tỉnh đã có phương án cho khai thác tận thu trước khi triển khai xây dựng công trình; ngoài ra chưa tìm thấy các điểm khoáng hóa có giá trị khác”, công văn 2192 nhấn mạnh.

…và báo cáo của tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, lòng hồ chưa phát hiện được khoáng sản có giá trị cao.

Như vậy cả Bộ TN-MT và tỉnh Hà Tĩnh đều đã khẳng định vùng lòng hồ không có tài nguyên khoáng sản có giá trị hoặc đã có phương án tận thu trước khi thực hiện dự án, đủ điều kiện chặn dòng ngăn nước lên cốt 52m. Nếu bây giờ “truy” trách nhiệm cho lòng hồ nhiễm sắt, là tác nhân gây nên hiện tượng chuyển màu nước của đập dâng Ngàn Trươi thì cơ quan chức năng cũng cần phải đánh giá lại trách nhiệm của đơn vị thực hiện điều tra địa chất khu vực lòng hồ Ngàn Trươi là Bộ TN-MT và tỉnh Hà Tĩnh!

Tại cuộc họp, các nhà khoa học đều nhận định hàm lượng sắt từ nhánh Khe Trươi là “thủ phạm” chính gây nên hiện tượng đập dâng đổi màu. GS.TS Hà Văn Khối cho rằng, Tổ công tác của tỉnh Hà Tĩnh chưa làm rõ được đập dâng đột nhiên đổi màu do cái gì?, nguồn nào tạo ra Fe (III) nhiều như vậy?

“Hiện tượng nước đỏ màu được xác định do Fe (III) gây ra, mà ở Khe Trươi có mỏ quặng sắt (Nhà máy sắt Vũ Quang – PV) đã được nghiền ra phơi tập trung thì chính cái hỗn hợp sắt này trong suốt mùa ẩm đã chuyển hóa thành Fe (III), từ đó theo mưa xuống lòng đập dâng, gây đổi màu. Còn nếu nói Fe (II) từ đập chính xuống đập dâng phân hủy thành Fe (III) thì còn hơi lâu”, ông Khối phân tích.

Các nhà khoa học nhận định, nếu thời gian tới nguồn nước này không được xử lý sẽ gây ra ô nhiễm, vì thế tỉnh cần kiểm tra, xác định lớp bùn, hàm lượng sắt còn tồn dư trong 2 năm nay dưới đáy đập dâng. Cần thiết phải nạo vét, đồng thời có giải pháp quản lý nguồn quặng sắt trên nguồn đập dâng và thông tin phải chính xác, khi chưa chính xác thì không đưa tin lòng hồ đập chính ô nhiễm khiến người dân hoang mang.