Biến đổi khí hậu và đánh bắt quá mức đang làm tăng hàm lượng thủy ngân trong cá tuyết và cá ngừ. Điều này có thể gây ra các hội chứng rối loạn thần kinh ở trẻ nhỏ và các em bé có mẹ ăn cá trong thời kỳ mang thai.
Nghiên cứu trên của các nhà khoa học thuộc Đại học Havard đã được công bố trên tạp chí Nature.
Hàm lượng thủy ngân – một hợp chất hữu cơ có thể gây tổn thương não bộ và hệ thống thần kinh nghiêm trọng – đã tăng 23% trong cá tuyết và 27% trong cá ngừ vây xanh đánh bắt tại Vịnh Maine của Đại Tây Dương trong khoảng 3 thập kỷ qua.
Đồng tác giả nghiên cứu, Giáo sư Hóa học môi trường tại Trường Y của Đại học Havard Elsie Sunderland cho biết thủy ngân vô cùng độc hại trong giai đoạn 3 tháng cuối của thai kỳ khi não bộ bào thai đang phát triển nhanh chóng.
Từ lâu phụ nữ mang thai đã được khuyến cáo tránh ăn các đồ ăn chế biến từ thịt cá kiếm và cá mập do hàm lượng thủy ngân cao, song cá tuyết là loại cá mà các chuyên gia cho rằng chứa nhiều chất dinh dưỡng và giàu protein có thể hỗ trợ sự phát triển của bào thai.
Tuy nhiên, Giáo sư Sunderland cho rằng người tiêu dùng không nên quá sợ hãi sau khi đọc nghiên cứu này, vì hải sản vẫn là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng và lành mạnh. Các nhà nghiên cứu chỉ muốn chứng minh rằng tình trạng biến đổi khí hậu có thể tác động trực tiếp tới thực phẩm, tiếp đó là sức khỏe con người… chứ không chỉ riêng thời tiết cực đoan, lũ lụt và nước biển dâng.
Nước biển ấm lên làm tăng nhu cầu năng lượng của cá nhỏ, nên chúng ăn nhiều mồi chứa thủy ngân hơn. Những con cá nhỏ này sau đó lại bị cá ngừ ăn vào, khiến hàm lượng thủy ngân tích tụ trong cá ngừ ngày càng lớn. Việc đánh bắt quá mức cá trích và cá mòi cũng làm thay đổi thói quen ăn uống của cá tuyết Đại Tây Dương, buộc chúng phải nạp nhiều cá trích và tôm hùm, những sinh vật có hàm lượng thủy ngân cao.
Theo Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc, lượng tiêu thụ cá toàn cầu đã tăng gấp đôi kể từ những năm 60 của thế kỷ trước lên mức kỷ lục là 20,2 kg/người/năm, với 30% đại dương đã bị khai thác thủy hải sản quá mức.
Nhà nghiên cứu Sunderland nhấn mạnh tình hình có thể trầm trọng hơn tại Mỹ nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump giảm hạn chế thủy ngân phát thải từ các nhà máy nhiệt điện, vốn có hiệu lực dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama.
Nghiên cứu năm 2018 của chuyên gia Đại học Havard cho thấy các nhà máy điện sử dụng than đá là nguồn gây khí thải chứa thủy ngân hàng đầu tại Mỹ, chiếm tới 40% tổng lượng khí thải. Khí thải này sau đó ngấm vào đất và nước rồi được các sinh vật biển ăn phải. Do đó, nhà nghiên cứu Sunderland kêu gọi việc giảm khí thải thủy ngân, đặc biệt là từ các nhà máy nhiệt điện đốt than.