Trong 10 năm qua, các cơ quan của Hoa Kỳ đã cung cấp hơn 3,5 tỷ USD hỗ trợ các nước thuộc khu vực Mê Công, qua đó giúp 3.800 cán bộ, giáo viên và học sinh được tập huấn về tiếng Anh chuyên ngành.
Thông tin từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, từ năm 2009 đến nay, các cơ quan của Hoa Kỳ đã cung cấp hơn 3,5 tỷ USD hỗ trợ các nước thuộc khu vực Mê Công. Qua đó cùng các nước đối tác giúp 340.000 người tiếp cận nước uống sạch; 3.800 cán bộ, giáo viên và học sinh được tập huấn về tiếng Anh chuyên ngành; 27.000 người tiếp cận dịch vụ vệ sinh cải thiện.
Trong một thập niên vừa qua, các chương trình của Sáng kiến hạ nguồn Mê Công (LMI) cũng đã giúp các nước khu vực Mê Công ứng phó tốt hơn với các thách thức xuyên biên giới liên quan đến an ninh nước, thủy điện thông minh,…
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị Bộ trưởng Sáng kiến Hạ nguồn Mê Công vừa diễn ra ngày 1/8, tại Thái Lan, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael R. Pompeo cho biết, những kết quả trên đều là những thành tựu thực sự, thể hiện cho những cam kết của Mỹ trong quan hệ đối tác với 5 quốc gia lưu vực sông Mê Công.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ nhằm bảo vệ chủ quyền và an ninh của các bạn, giúp các bạn phát triển thịnh vượng về kinh tế, đồng thời giữ gìn những nền văn hóa phong phú và môi trường của các bạn,” Ngoại trưởng Michael R. Pompeo nói.
Ngoại trưởng Michael R. Pompeo cũng lưu ý những xu hướng đáng quan ngại về các hoạt động xây đập ở thượng nguồn diễn ra ồ ạt nhằm kiểm soát dòng chảy ở phía hạ lưu. Hiện, sông Mê Công đang ở mực nước thấp nhất trong vòng một thập kỷ – vấn đề có liên quan đến quyết định chặn nước ở thượng nguồn của Trung Quốc.
Ngoài ra, các nhóm tội phạm thực hiện một số hoạt động trong lĩnh vực sòng bạc và các đặc khu kinh tế cũng đang sử dụng sông Mê Công như huyết mạch chính để vận chuyển thuốc phiện, động vật hoang dã và thậm chí cả buôn bán người…
Để đối mặt với những thách thức nêu trên và cả những thách thức khác, Ngoại trưởng Michael R. Pompeo cho rằng cần phải duy trì các mối quan hệ đối tác hiện có, xây dựng các mối quan hệ đối tác mới và luôn lưu ý tới tương lai.
Theo đó, một trong những giải pháp để thực hiện mục tiêu trên là Sáng kiến đối tác năng lượng Mê Công giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ, hay gọi tắt là JUMP. Sáng kiến này nhằm xây dựng các hệ thống điện lưới trong khu vực với một khoản cam kết ban đầu từ Hoa Kỳ trị giá 29,5 triệu USD.
Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng đang có kế hoạch cung cấp một gói hỗ trợ ban đầu trị giá 14 triệu USD cho các nước lưu vực Mê Công nhằm chống tội phạm và buôn lậu xuyên quốc gia. Sáng kiến này sẽ đóng góp cho việc thực thi pháp luật, hỗ trợ cho các nạn nhân của buôn bán người, ngăn chặn dòng tiền dùng cho buôn bán động vật hoang dã, góp phần ngăn chặn sự mở rộng của các luồng vận chuyển ma túy đá, cũng như các hoạt động bất hợp pháp khác có nguồn gốc từ Tam giác Vàng.
Đối với các lĩnh vực khác, cuối năm 2019, Hoa Kỳ sẽ tổ chức một Hội nghị Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về tăng cường quản lý các lưu vực sông xuyên biên giới. Hội nghị này sẽ hỗ trợ xây dựng một cách tiếp cận minh bạch, dựa trên quy tắc đối với lưu vực sông Mê Công.
Vào tháng 11 tới, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lần thứ hai, tổ chức tại Bangkok, Hoa Kỳ dự kiến đưa ra những sáng kiến mới nhằm hỗ trợ các quốc gia lưu vực Mê Công trong các lĩnh vực về hạ tầng, năng lượng và kỹ thuật số. Đồng thời, cùng với Hàn Quốc, sẽ tài trợ cho một dự án chung trong việc sử dụng hình ảnh vệ tinh một cách hiệu quả hơn nhằm đánh giá các mô hình hạn hán và lũ lụt trên lưu vực sông Mê Công.
Các quốc gia ở hạ nguồn sông Mê Công cũng sẽ công bố một nền tảng chia sẻ dữ liệu mới về nước sông Mê Công, và một chương trình đánh giá tác động mới tại hạ nguồn sông Mê Công.
“Hoa Kỳ cũng nhận thấy, đến năm 2020, thời điểm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN sẽ là một cơ hội tuyệt vời để tiếp tục đạt được những tiến triển lớn hơn trong hợp tác khu vực Mê Công. Cũng là dịp để Hội nghị Bộ trưởng thường niên mang tính trọng tâm hơn, chiến lược hơn, và hiệu quả hơn,” Ngoại trưởng Michael R. Pompeo nhấn mạnh.