Sáng 05/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Điều tra, Quy hoạch rừng (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Quy hoạch và trình diễn quản lý tổng hợp hệ sinh thái rừng tại tiểu vùng sông Mê Kông (Khu vực Vườn Quốc gia Tràm Chim, Việt Nam)”.
Tham dự hội thảo có đại diện Mạng lưới phục hồi và quản lý rừng bền vững khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APFNet), đại diện cơ quan đầu mối APFNet tại Việt Nam, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp, Vườn Quốc gia Tràm Chim cùng nhiều nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực lâm nghiệp trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng Viện Điều tra, Quy hoạch rừng Nguyễn Nghĩa Biên nhấn mạnh: Dòng sông Mê Kông với khoảng 4.800km chiều dài bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, nối liền 6 quốc gia Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, đã tạo ra nhiều sinh cảnh độc đáo, các hệ sinh thái đa dạng và vùng châu thổ phì nhiêu.
Thời gian gần đây, lưu vực sông Mê Kông ngày càng trở nên sôi động với tâm điểm là việc sử dụng nguồn nước của mỗi quốc gia phục vụ nhu cầu phát triển riêng, cùng với đó là những hậu quả và thách thức tiềm tàng cho các quốc gia khác.
Nằm trong tiểu vùng sông Mê Kông, trong nhiều năm qua, Vườn Quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp đã có những nỗ lực trong việc quản lý bền vững hệ sinh thái rừng tràm và vùng đất ngập nước. Tuy nhiên, những tác động không mong đợi đã nảy sinh do thiếu chiến lược phát triển về quản lý tổng hợp hệ sinh thái đất ngập nước, thiếu mô hình quản lý đất ngập nước bền vững hiệu quả cũng như mô hình quản lý rừng chất lượng cao. Cùng với đó, việc suy giảm sự xuất hiện của loài Sếu, các loài chim nước trong Vườn Quốc gia Tràm Chim cũng đang rất đáng báo động.
Trong bối cảnh như vậy, APFNet đã tài trợ Việt Nam thực hiện Dự án “Quy hoạch và trình diễn quản lý tổng hợp hệ sinh thái rừng tại tiểu vùng sông Mê Kông (Khu vực Vườn Quốc gia Tràm Chim, Việt Nam)” với thời gian thực hiện kéo dài trong 4 năm tại Vườn Quốc gia Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp) do Viện Điều tra, Quy hoạch rừng làm chủ dự án.
Dự án có tổng vốn trên 14,4 tỷ đồng (tương đương 625.330,53 USD); trong đó, vốn viện trợ không hoàn lại hơn 10 tỷ đồng, vốn đối ứng của Việt Nam là hơn 4 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án là thiết lập một mô hình trình diễn về quản lý tổng thể hệ sinh thái đất ngập nước và quản lý rừng bền vững cho Vườn Quốc gia Tràm Chim, từ đó cải thiện chất lượng hệ sinh thái và cải thiện các chức năng sinh thái, kinh tế và xã hội tích hợp trong lưu vực sông Mê Kông.
Bên cạnh đó, dự án còn góp phần bảo tồn và phát triển hệ sinh thái đất ngập nước thuộc Vườn Quốc gia Tràm Chim thông qua giám sát vùng đất ngập nước; hỗ trợ Vườn quốc gia Tràm Chim xây dựng phương án quản lý rừng bền vững; giảm thiểu áp lực của cộng đồng dân cư lên Vườn Quốc gia Tràm Chim bằng cách tạo cơ hội có nguồn thu nhập thay thế khác; nâng cao năng lực, kiến thức và nhận thức của cộng đồng dân cư, đại diện chính quyền cùng cán bộ địa phương thông qua các chương trình nâng cao năng lực.
Ngoài ra, trong khuôn khổ dự án còn có nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế cho phụ nữ địa phương nhằm nâng cao thu nhập; trang bị cho người dân kiến thức về khai thác và sử dụng đất ngập nước một cách khôn khéo và hiệu quả
Dự án “Quy hoạch và trình diễn quản lý tổng hợp hệ sinh thái rừng tại tiểu vùng sông Mê Kông (Khu vực Vườn Quốc gia Tràm Chim, Việt Nam)” được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề liên quan đến đất ngập nước, hạn chế các tác động tiêu cực tới đa dạng sinh học trên địa bàn triển khai dự án.